Nhiều khu sản xuất rau, nuôi trồng thủy sản ở miền Bắc bị tàn phá do ảnh hưởng của bão lũ không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho người sản xuất, mà còn có nguy cơ thiếu nguồn cung thời gian tới.
Thịt gia cầm vẫn dồi dào trên quầy kệ của một siêu thị MM ở Hạ Long - Ảnh: MM
Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ tại thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải), khu vực nuôi cá lồng với sản lượng lớn tại quần đảo Cát Bà là một trong những nơi bị ảnh hưởng sau bão số 3.
Khu vực này nổi tiếng với một số loại cá như: song, giò... cung ứng cho nhiều thị trường miền Bắc.
Nhiều vùng nông nghiệp thiệt hại nặng nề
Tại quận Đồ Sơn (Hải Phòng), nhiều hộ dân bị thiệt hại lồng bè nuôi cá do bị gió bão làm hư hỏng.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thiệt hại do bão Yagi (bão số 3), ông Lê Anh Quân, phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết theo thống kê ban đầu thành phố có khoảng 48ha nuôi trồng thủy sản bị mất trắng.
Ông Tiến (61 tuổi, thị trấn Cát Bà) cho biết chỉ tính riêng khu vực vịnh Cát Bà có đến hơn 100 gia đình nuôi cá lồng gặp bão lồng bè bị đánh tan, thiệt hại nặng.
"Đối với những gia đình có điều kiện sẽ phục hồi nhanh nhưng những hộ dân phải vay mượn để phát triển kinh tế thì gặp rất nhiều khó khăn", ông Tiến nói.
Ông Nguyễn Việt Thắng, chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, cho hay sơ bộ thông tin từ các hội nghề cá ở phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình... cho thấy cơn bão Yagi vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nghề cá các địa phương ven biển, nhất là nghề nuôi trên biển.
Trong đó phần lớn các khu vực nuôi lồng bè ở Quảng Ninh, Hải Phòng bị thiệt hại nặng nề bởi bão, có những khu vực thiệt hại đến 90%, thậm chí 99%. Nghề cá nhiều tỉnh thành trong đất liền cũng bị ảnh hưởng nặng do mưa lớn gây lũ lụt.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 10-9, ông Nguyễn Hồng Phong, giám đốc Công ty Phong Thúy (Lâm Đồng), nói hiện nhu cầu rau củ tăng gấp 1,5 - 2 lần khi các siêu thị đều đề nghị tăng thêm nguồn cung hàng nhưng năng lực sản xuất bị giới hạn nên khó đáp ứng được.
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng nguồn cung heo, gà tại các vùng chăn nuôi phía Bắc chắc chắn sẽ giảm mạnh và khó có thể phục hồi ổn trong các tháng tới.
Do đó, miền Trung và miền Nam có thể tính đến phương án tăng tái đàn để bù vào việc thiếu hụt này, đặc biệt để phục vụ cho nhu cầu tăng cao vào mùa cuối năm, Tết Nguyên đán.
Lo lụt, người Hà Nội đi siêu thị gom hàng
Trước thông tin Hà Nội có nguy cơ ngập lụt, nhiều người dân lo lắng đã đi mua thực phẩm để tích trữ.
Chị Hiền (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay sáng 10-9 thấy thông tin người dân ở nhiều quận trung tâm như Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm... phải sơ tán trong đêm do nước sông Hồng lên cao, chị cũng lo lắng đi mua thêm gạo và thực phẩm do nhà sắp hết gạo.
"Tại nhiều điểm bán, siêu thị, cửa hàng thực phẩm, người dân đi mua hàng nhiều. Một số mặt hàng như gạo, thịt và rau được mọi người mua nhiều, giá đã bắt đầu tăng, đặc biệt có loại rau tăng tới 100%", chị Hiền nói.
Ông Long (Hà Đông), một tiểu thương kinh doanh gạo, cho hay hầu hết các mặt hàng gạo đều tăng giá 5% so với trước bão, nhà cung cấp thông báo là có thể tiếp tục tăng giá trong những ngày tới.
Theo các đơn vị bán lẻ, các vùng chuyên canh rau củ lớn tại phía Bắc như Mộc Châu hay Hải Dương, Thái Nguyên, ngoại ô Hà Nội... bị hư hại nặng, nguồn cung sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng trong nhiều tháng. Do đó ngoài lấy rau củ từ Lâm Đồng ra, cần sớm có những giải pháp căn cơ hơn.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho hay các doanh nghiệp phân phối, nhà cung cấp hàng hóa quy mô lớn đang tập trung cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương bị cô lập, chia cắt như Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái. Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại và dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão gây ra. |
Theo Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/nhieu-vung-san-xuat-phia-bac-lo-thieu-hang-2024091022283326.htm