Gojek cho biết quyết định tạm biệt thị trường Việt Nam phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của công ty mẹ - Tập đoàn GoTo.
Gojek - nền tảng gọi xe và giao đồ ăn, có trụ sở tại Indonesia - vừa có quyết định bất ngờ khi tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam từ ngày 16-9.
Gojek cho biết quyết định này phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của công ty mẹ - Tập đoàn GoTo, công ty công nghệ lớn nhất Indonesia.
"Quyết định chiến lược này được đưa ra nhằm cho phép công ty tập trung vào các hoạt động có thể mang đến tác động đáng kể lên thị trường một cách bền vững, phù hợp với cam kết của GoTo trong việc đạt được tăng trưởng kinh doanh bền vững trong dài hạn"- đại diện Gojek chia sẻ.
Gojek ra mắt thị trường Việt Nam tháng 8-2018 với tên gọi GoViet cùng hai dịch vụ GoBike để gọi xe máy và GoSend để giao nhận.
Tài xế của Gojek Ảnh: Công ty cung cấp
Chỉ 2 tháng sau, hãng này tiếp tục tung ra dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến GoFood và trở thành đối thủ đáng gờm của Grab khi triển khai loạt chương trình đồng giá chuyến đi 1.000 đồng, 5.000 đồng.
Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm, Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Đức và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Bảo Linh của GoViet bất ngờ từ chức và người đảm nhiệm vị trí CEO thay ông Đức là bà Lê Diệp Kiều Trang – cựu CEO Facebook Việt Nam. Sau 5 tháng dẫn dắt GoViet, nữ lãnh đạo này cũng rời "ghế nóng".
Trong năm đầu tiên hoạt động, GoViet đã đạt nhiều kết quả ấn tượng khi đạt mốc 100 triệu đơn hàng và 6 tháng sau đó, con số này nhanh chóng tăng lên gấp đôi thành 200 triệu.
Thế nhưng, đến tháng 8-2020, công ty bất ngờ đổi tên thành Gojek Việt Nam. Màu sắc nhận diện, trang phục của tài xế cũng được đổi từ gam đỏ sang xanh lá cây, đen, trắng tương tự công ty mẹ Goto ở Indonesia.
Đồng thời, ông Phùng Tuấn Đức – lúc đó là giám đốc vận hành GoViet được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của Gojek Việt Nam.
Tại thời điểm đó, Gojek bắt đầu "hụt hơi" trước các đối thủ. Theo báo cáo của ABI Research, số cuốc xe của GoViet chỉ chiếm tỉ trọng 10,3%, xếp sau Be (15,6%) và Grab (72,8%). Ở mảng giao đồ ăn, GoFood cũng xếp sau GrabFood và Now (tên gọi trước đây của ShopeeFodd) về mức độ hài lòng và mức độ sử dụng thường xuyên.
Đến giai đoạn năm 2021 và 2022, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình hoạt động của Gojek Việt Nam lại gặp thêm nhiều khó khăn. Năm 2022, GoTo ghi nhận khoản lỗ ròng tăng 56% so với năm 2021, lên mức 2,7 tỉ USD.
Đến tháng 1-2023, ông Phùng Tuấn Đức quyết định rời Gojek Việt Nam để theo đuổi sự nghiệp riêng. Lúc này, ông Sumit Rathor, Giám đốc vùng của Gojek tại Indonesia được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của Gojek tại Việt Nam.
Như vậy, kể từ khi thành lập đến khi chính thức dừng hoạt động, Gojek đã đổi Tổng Giám đốc đến 4 lần.
Trong năm 2023, dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works cho biết Gojek chỉ chiếm vỏn vẹn 3% GMV (tổng giá trị hàng hóa) trên thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam, thể hiện sức cạnh tranh của đơn vị này trên thị trường rất thấp.
Theo báo cáo về "Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024" do Q&Me thực hiện mới đây, Grab vẫn là nền tảng chiếm thị phần cao nhất với 42%, còn Be và Xanh SM - 2 ứng dụng của Việt Nam đang ngày càng tăng trưởng và tiến gần với tỉ lệ lần lượt 32% và 19%.
Trong khi đó, Gojek từng là một trong những ứng dụng phổ biến nhất đã tụt xuống vị trí thứ tư khi chỉ còn 7% người dùng thường xuyên. Nếu so sánh với dữ liệu của Statista năm 2021, Gojek có đến 19% người dùng Việt thường xuyên sử dụng trong khi Be chỉ có 18%.
Theo Lê Tỉnh/ Người lao động
https://nld.com.vn/gojek-lam-an-the-nao-trong-6-nam-hoat-dong-tai-viet-nam-196240905000719925.htm