Trong danh sách nợ thuế ngành hải quan mới công bố, có người nợ thuế quá hạn chỉ 2.000 đồng. Liệu những người này có bị cấm xuất cảnh?
Hoãn xuất cảnh sau khi áp dụng 7 biện pháp cưỡng chế thuế
Ngày 29.8 vừa qua, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP.HCM) ban hành loạt thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với những cá nhân là đại diện pháp luật của các doanh nghiệp (DN) đang nợ thuế hải quan quá hạn cưỡng chế.
Biện pháp tạm hoãn xuất cảnh được cho là đạt hiệu quả lớn trong thu hồi nợ đọng thuế kéo dài. Ảnh: Nguyên Nga
Mới đây, Cục Hải quan TP.HCM cũng công bố danh sách hơn 5.500 doanh nghiệp đang nợ thuế quá hạn cưỡng chế với tổng số tiền lên đến 2.453 tỉ đồng. Đáng lưu ý, trong số này có hơn 150 DN có số tiền nợ thuế hải quan dưới 100.000 đồng, thậm chí có những DN là "con nợ" thuế quá hạn với số tiền 2.000 đồng, 10.000 đồng…
Các thông báo tạm hoãn xuất cảnh của cơ quan hải quan đợt này không nêu cụ thể số tiền DN nợ thuế quá hạn và các quy định của luật cũng không quy định mức nợ thuế của DN, người nợ thuế là bao nhiêu mới bị coi là "nợ thuế quá hạn" để bị tạm hoãn xuất cảnh. Thế nên, theo Cục Hải quan TP.HCM, hằng tháng, Cục Hải quan TP.HCM phối hợp với Cục Thuế TP.HCM rà soát những trường hợp thuộc diện tạm dừng xuất cảnh do nợ thuế và gửi văn bản đề nghị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tạm dừng xuất cảnh với các trường hợp này.
Thường đối với các trường hợp DN chây ì trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, cơ quan hải quan có 7 biện pháp cưỡng chế thuế như: trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp; phong tỏa tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương, thu nhập của cá nhân, người đại diện pháp luật của DN nợ thuế; dừng làm thủ tục hải quan; dừng sử dụng hóa đơn; kê biên bán đấu giá tài sản, thu tiền từ tài sản và cuối cùng là thu hồi giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ khác. Không chỉ tại Hải quan TP.HCM, nhiều cục hải quan cho biết đều đã áp dụng các biện pháp kể trên trước khi ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh.
Đại diện Phòng thuế xuất nhập khẩu (Cục Hải quan TP.HCM) thông tin thêm rằng sau khi đã áp dụng 7 biện pháp cưỡng chế trên mà vẫn chưa thu hồi được thuế từ DN, cơ quan quản lý mới áp dụng biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh đối tượng nợ thuế với khoản nợ trên 90 ngày. Như vậy, liệu có trường hợp nợ thuế số tiền rất ít (từ 2.000 - 10.000 đồng theo danh sách mới công bố - NV), cá nhân đại diện pháp luật có bị tạm hoãn xuất cảnh không?
"Thực tế cho thấy biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đã mang lại kết quả thu hồi nợ khá tốt. Vấn đề hiện nay đối với biện pháp này là không quy định số tiền nợ thuế tối thiểu, DN nợ 100 tỉ đồng cũng như DN nợ 100 đồng. Nên trong quá trình rà soát, chúng tôi cũng cố gắng lựa chọn những DN có số tiền nợ thuế lớn hay khoản nợ đọng kéo dài nhiều năm, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thi hành pháp luật thì mới ra thông báo áp dụng tạm hoãn xuất cảnh", vị này nhấn mạnh.
Trước đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định việc thực hiện tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, pháp nhân nợ thuế được cơ quan thuế thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ đúng quy định của pháp luật và nhấn mạnh "không phải tất cả cá nhân nợ thuế đều bị tạm hoãn xuất cảnh, mà việc này chỉ áp dụng với một số ít đối tượng".
Nên quy định mức nợ tối thiểu
"Một số ít đối tượng" bị áp dụng tạm hoãn xuất cảnh, theo Tổng cục Thuế, là những cá nhân ra nước ngoài không quay trở lại, hoặc rất lâu sau mới quay trở lại VN, nên nguy cơ không thu hồi được nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính thuế rất cao. Còn với người dân ra nước ngoài du lịch, chữa bệnh, thăm thân, hội thảo, hội nghị... thì nếu còn nợ thuế vẫn được xuất cảnh bình thường. Thậm chí, ngay cả với các trường hợp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh, nhưng nếu có bảo lãnh về tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước thì vẫn có thể được xuất cảnh.
Tuy nhiên, chính vì pháp luật không có quy định DN nợ bao nhiêu mới bị tạm hoãn xuất cảnh nên việc rà soát của cơ quan thuế, hải quan trước khi ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với một cá nhân cũng chỉ mang tính tương đối. Trong thực tế, đã có trường hợp cá nhân đại diện pháp luật cho DN đang nợ thuế chưa tới 1 triệu đồng, khi ra sân bay bị thông báo không xuất cảnh được. Với danh sách nợ thuế hải quan mới công bố nói trên, giả sử các DN đang nợ từ 2.000 - 10.000 đồng tiền thuế (hơn 150 DN), đã bị cơ quan quản lý áp dụng 7 biện pháp thu hồi thuế không thành công, cá nhân đại diện pháp luật các DN này vẫn có thể bị tạm hoãn xuất cảnh bất kỳ lúc nào.
Luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc hãng Luật IAM (TP.HCM), chia sẻ: Thông tin bị tạm hoãn xuất cảnh sẽ ảnh hưởng đến cá nhân, thương hiệu DN đó không ít thì nhiều. Nhưng về quy định pháp luật, không có trường hợp không A thì B, mà A là A và B là B. Thuế không phân biệt nhà giàu hay nhà nghèo, không phân biệt nợ ít thôi du di cho qua, nợ nhiều mới áp dụng quy định… "Dù nợ thuế 1 đồng cũng là nợ, quá hạn phải trả là vi phạm pháp luật", luật sư Toản nhấn mạnh.
Ông Toản cũng cho rằng thời gian qua ngành hải quan và thuế áp dụng rất quyết liệt và hiệu quả việc tạm hoãn xuất cảnh để truy các khoản nợ thuế quá hạn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã bị cho là áp dụng hơi cứng nhắc, nên cần quy định rõ hơn về vấn đề này. "Các quy định liên quan tạm hoãn xuất cảnh nên quy định mức tiền thuế nợ của DN, cá nhân tối thiểu là bao nhiêu có vẻ hợp lý hơn. Việc bỏ ngỏ giới hạn số tiền nợ bao nhiêu, có thể dẫn đến nguy cơ lạm dụng quyền lực. Việc nợ thuế 2.000 đồng hay 10.000 đồng vẫn đối diện nguy cơ bị hoãn xuất cảnh theo quy định hiện hành khi quy định giới hạn số tiền nợ không rõ ràng.
Thứ 2, cần quy định cơ quan quản lý gửi ngay thông báo tạm hoãn xuất cảnh cho "khổ chủ" khi ra thông báo. Nếu nói về công bằng cho DN, thì cần sự công bằng giữa cơ quan thực thi pháp luật với DN. Bên cạnh việc phạt người chậm nộp thuế, thì ngay chính ngành thuế chậm hoàn thuế cho DN lại chưa từng có quy định nào liên quan tạm hoãn xuất cảnh đối với cơ quan, lãnh đạo đơn vị… chậm hoàn thuế cho DN", luật sư Nguyễn Quốc Toản nêu quan điểm.
Thống kê của ngành thuế trong 7 tháng tính từ đầu năm, có gần 18.000 người bị tạm hoãn xuất cảnh liên quan nợ thuế quá hạn. Đây là con số không nhỏ và bất kỳ cá nhân nào liên quan nợ thuế quá hạn vẫn có thể bị hoãn xuất cảnh cho dù số tiền nợ lớn hay nhỏ. |
Theo Nguyên Nga/Thanh niên
https://thanhnien.vn/no-thue-qua-han-2000-dong-co-bi-hoan-xuat-canh-185240903221724778.htm