Luật Thuế thu nhập cá nhân có 10 khoản phải nộp, trong đó tiền công tiền lương chỉ là một khoản nhưng tỷ lệ đóng góp cho số thu chiếm trên 70%. Điều này cho thấy số thuế chỉ nắm được người "có tóc".
Khó nắm thuế kinh doanh
Sau khi nghỉ việc ở ngân hàng, chị V.H (ngụ Hà Nội) nhận công việc bán thời gian cho một công ty xây dựng về hoạt động tiếp thị, quảng cáo… với giá 300 triệu đồng. Do khối lượng công việc nhiều nên có 2 bạn phụ việc với chị V.H. Phía công ty tạm ứng số tiền 100 triệu đồng để chị V.H có kinh phí đi lại, tiếp khách. Số còn lại sẽ được chi 2 lần nữa, lần cuối là sau khi khối lượng công việc đã hoàn thành.
Mức giảm trừ gia cảnh cho người làm công ăn lương lạc hậu. Ảnh: Ngọc Dương
Chị V.H cho biết mỗi lần nhận tiền thì công ty đều trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 10%, nếu tính sơ bộ thì đóng 30 triệu đồng, còn nếu tính theo biểu thuế lũy tiến thì số tiền đóng còn nhiều hơn. Sau khi than thở với bạn bè, một số người chỉ cho chị V.H cách thành lập công ty để đưa các chi phí tiếp khách, đi lại, lương… trước khi xác định thu nhập chịu thuế. Lúc này chị V.H mới biết, hóa ra nhiều người cũng dùng chiêu né thuế TNCN qua việc mở công ty. Khi đó, các chi phí được khấu trừ, có lợi nhuận thì mới nộp thuế, còn không thì thôi. Đỡ hơn rất nhiều so với thuế TNCN.
Nở rộ thời gian gần đây là hình thức bán hàng livestream trên mạng xã hội mang lại doanh thu lớn. Những cá nhân chưa nổi tiếng thì hàng chục triệu, còn những "chiến thần" thì lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng.
Chị P.K (ngụ Q.3, TP.HCM) cho biết ngày nào không livestream quần áo, túi xách thì ngày đó chẳng bán được gì, còn ngày nào đăng lên thì ít nhất cũng có vài người chốt đơn hàng, có khi số tiền bán lên cả chục triệu đồng. Khi cơ quan thuế chống thất thu thuế ở thương mại điện tử, bán hàng online, chị P.K cũng lo. Sau khi tìm hiểu, chị P.K đăng ký thuế hộ kinh doanh, đóng thuế khoán trên doanh thu tự kê khai.
Theo quy định, người bán hàng online sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và TNCN nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng một năm. Nếu tính trên doanh thu này thì mỗi tháng bán trên 8,4 triệu đồng là đã phải đóng thuế, tương ứng mỗi ngày chưa đến 300.000 đồng.
"Mình không muốn trốn thuế nhưng do tính thuế khoán nên nhiều người trong nhà phải phụ vào kinh doanh, còn phải trả lương, một số chi phí không được trừ. Nếu khai thật thì năm sau số thuế đóng sẽ cao hơn nữa", chị P.K cho hay.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử VN, bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với hơn 50.000 nhà bán tham gia. Nhưng số lượng kê khai, đóng thuế đầy đủ chắc chắn không nhiều.
Trong khi đó, những người làm công ăn lương thì đóng thuế "không trật phát nào". Ông N.H (ngụ TP.HCM) cho biết do làm công tác giảng dạy, nghiên cứu nên khi có thời gian hay cộng tác viết bài cho một số báo, tham gia làm giám khảo một số chương trình... Phần tiền công mỗi lần vài trăm ngàn đến triệu đồng, các báo cũng như các trường không tạm trừ thuế 10% vì mỗi lần nhận chưa đến 2 triệu đồng.
Cách đây 2 tuần, ông N.H tra cứu thông tin thuế trên hệ thống eTax thì phát hiện các khoản này bị ghi vào mục nợ thuế, có hàng chục khoản còn phát sinh cả tiền chậm nộp. Số thuế nợ trên hệ thống gần 34 triệu đồng. Tá hỏa, ông N.H phải liên hệ cơ quan thuế để được giải thích.
Theo ông N.H, trong số tiền bị nêu trên hệ thống có 90 triệu đồng là ông nhận thay cho nhóm khi thực hiện công việc nhưng bị cộng vào thu nhập chung nên đội thuế lên rất cao. Tìm hiểu quy định, ông N.H cho biết đối với thu nhập vãng lai ở nhiều nơi mỗi năm không quá 120 triệu đồng thì không phải quyết toán thuế với điều kiện số tiền này phải được khấu trừ tại nguồn 10%.
"Tôi làm cộng tác với nhiều báo, trường mà bảo đi làm quyết toán thuế thì chắc thua luôn. Không thể nào đi xin từng chứng từ ở từng đơn vị, sẽ rất mất thời gian. Biết vậy không nhận tiền thù lao cho đỡ mắc công phát sinh thủ tục, đóng thêm thuế", ông N.H cho hay.
Người làm công ăn lương đóng thuế cao hơn doanh nghiệp
Theo quy định hiện hành, có 10 khoản thu nhập thuộc diện chịu TNCN với các mức thuế suất và cách tính thuế khác nhau. Nhưng duy nhất thu nhập từ tiền lương tiền công áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần với các mức thuế từ 5 - 35%, còn các khoản thu nhập khác áp dụng theo thuế suất toàn phần chỉ từ 0,5 - 5% thuế TNCN cộng thêm với thuế GTGT dao động từ 1 - 5%.
Chị Thu Trang (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ theo thông báo quyết toán thuế TNCN năm 2023 được thực hiện đầu năm nay, thu nhập tổng cộng ở cơ quan của chị hơn 950 triệu đồng, sau khi giảm trừ gia cảnh cho bản thân chị và 2 con, số thuế TNCN chị phải đóng lên sát 150 triệu đồng, tương đương tỷ lệ đóng thuế gần 16% trên tổng thu nhập. Trong khi đó, giả sử một người tự kinh doanh bán hàng qua mạng có thu nhập hơn 950 triệu đồng như chị Thu Trang, thì năm vừa qua số thuế chỉ đóng hơn 14 triệu đồng, thấp hơn gần 11 lần. Bởi cá nhân bán hàng online khi có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm mới bắt đầu phải đóng thuế gồm 1% thuế GTGT và thuế TNCN 0,5%, tổng cộng nộp thuế 1,5% trên doanh thu.
Tương tự, cá nhân có thu nhập từ các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook, YouTube… trên 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế TNCN 2% và thuế GTGT 5%, tổng cộng 7% trên doanh thu. Nếu cá nhân này có thu nhập 950 triệu đồng thì số thuế phải nộp khoảng 66,5 triệu đồng, chưa được một nửa số thuế mà chị Thu Trang phải nộp. Tính chung thì các cá nhân này đều nộp thuế ít hơn nhiều so với người làm công ăn lương.
Cá nhân làm công ăn lương cũng đang đóng thuế TNCN cao hơn cả doanh nghiệp (DN). Hiện thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là 20% và các DN chỉ nộp thuế trên phần lãi, sau khi đã khấu trừ các chi phí thực tế trong quá trình hoạt động, từ tiền lương tiền công của người lao động đến chi phí thuê tài sản, khấu hao tài sản, đào tạo… Nhưng cá nhân chỉ được khấu trừ duy nhất 11 triệu đồng/tháng cho bao gồm tất cả chi phí tiêu dùng, ốm đau, học hành; khấu trừ cho con nhỏ, bố mẹ không có thu nhập chỉ 4,4 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, thuế suất mà cá nhân nộp thuế vượt xa mức thuế TNDN với mức cao nhất trong biểu thuế lũy tiến lên đến 35%.
Bộ Tài chính đang soạn thảo luật Thuế TNDN (sửa đổi), trong đó bổ sung áp dụng mức thuế TNDN ưu đãi 17%/năm trong 10 năm cho các dự án hỗ trợ DN nhỏ và vừa; áp dụng thuế từ 15 - 17% dành cho DN nhỏ và vừa.
Tại dự thảo luật Thuế GTGT mới nhất, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức doanh thu từ 200 triệu đồng/năm trở xuống của cá nhân, hộ kinh doanh sẽ không chịu thuế GTGT. Mức đề xuất này tăng gấp đôi so với quy định hiện nay (100 triệu đồng/năm). Thế nhưng, các quy định về thuế TNCN dù quá lạc hậu vẫn chưa được thay đổi.
Theo luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhiều quy định về thuế TNCN hiện tại là bất hợp lý. Nếu so sánh với cá nhân kinh doanh buôn bán hàng hóa (chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành nghề) chỉ nộp thuế ở mức 1,5% thì người làm công ăn lương đang phải đóng thuế cao hơn 15 lần. Trong biểu thuế lũy thế của người làm công ăn lương, thuế suất cao nhất lên 35% là gấp 5 lần của thuế suất cao nhất trong nhóm kinh doanh 7%. Đây là mức chênh lệch quá nhiều. Do đó, cơ quan nhà nước cần sớm điều chỉnh mức thuế suất xuống thấp hơn để chia sẻ với người lao động.
7 tháng thu đạt 72,1% dự toán Theo Tổng cục Thuế, số thu thuế thu nhập cá nhân trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 72,1% dự toán, tăng 15,1% so cùng kỳ. Theo Nghị quyết 104/2023 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, số thu TNCN năm 2024 là 159.124 tỉ đồng. Như vậy, với mức đạt 72,1% dự toán, các cá nhân đã nộp ngân sách nhà nước số thuế 114.728 tỉ đồng trong 7 tháng đầu năm. Tỷ trọng thuế thu nhập cá nhân chiếm 15% số thu nội địa. Các khoản thu nội địa đạt 755.400 tỉ đồng, bằng 69,6% dự toán, tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2023. |
Theo Thanh Xuân - Mai Phương/Thanh niên
https://thanhnien.vn/thue-thu-nhap-ca-nhan-van-chi-nam-nguoi-co-toc-185240816220512789.htm