Nhu cầu giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam rất lớn. Đó là lý do Trung Quốc đầu tư các kho dọc biên giới, đặt ở cửa khẩu, có khu tự do thương mại, phát triển hệ thống kho tại Việt Nam, cũng như phát triển dịch vụ vận chuyển xuyên biên giới.
Hàng Trung Quốc được ưa chuộng vì giá rẻ, mẫu mã đa dạng, giao nhanh - Ảnh: BÔNG MAI
Ông MÃ NHÂN HỒNG - chủ tịch điều hành Hiệp hội Logistics Quảng Đông với hơn 6.200 doanh nghiệp thành viên - chia sẻ về chiến lược phát triển ngành logistics của Trung Quốc nói chung và địa phương này nói riêng cũng như các chính sách nhằm thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, khai thác tốt thị trường Việt Nam.
Ông MÃ NHÂN HỒNG |
Ông Hồng nói: Do không có địa phận tiếp giáp trực tiếp Việt Nam, tỉnh Quảng Đông tìm tới tỉnh Quảng Tây để xây dựng và đầu tư nhiều kho tập kết hàng hóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thành viên hiệp hội cũng đang xây dựng kho hàng ở Đông Hưng, giáp với thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam).
* Ngoài câu chuyện giá sản phẩm rất cạnh tranh, những yếu tố nào giúp hoạt động bán hàng các sàn thương mại điện tử cho khách hàng Việt Nam phát triển mạnh, với 4 - 5 triệu đơn hàng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam mỗi ngày, thưa ông?
- Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là cơ sở để ngành thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ hơn giữa hai nước. Thêm vào đó là lợi thế có hàng chục cửa khẩu tiếp giáp dọc biên giới, đa dạng hình thức vận chuyển từ đường biển, sắt, bộ...
Riêng tại tỉnh Quảng Đông, thương mại điện tử tăng trưởng nhanh, mỗi ngày ghi nhận khoảng 100.000 đơn hàng được đặt. Lượng hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, cũng như giao thương hằng ngày tại Trung Quốc, mỗi năm tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam là thị trường lớn được nhắm đến khi có dân số hơn 100 triệu người, thị trường lớn nên doanh nghiệp Trung Quốc có sự chuẩn bị hàng hóa, dịch vụ để phục vụ.
* Các doanh nghiệp logistics, bán hàng qua hình thức livestream (phát trực tuyến), kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới cho biết đã nhận được hỗ trợ lớn từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước?
- Thương mại điện tử ở Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, được Nhà nước khuyến khích và cổ vũ, thúc đẩy thương mại quốc tế.
Trong đó, livestream là hình thức kinh doanh mới, chính phủ và các sở ban ngành liên quan vẫn đang trong động thái thăm dò. Để đưa ra chính sách, cách quản lý hiệu quả, giúp doanh nghiệp phát triển lành mạnh, hỗ trợ việc giao thương hàng hóa, tăng sức tiêu thụ, cũng như giải quyết vấn đề việc làm và khởi nghiệp của doanh nghiệp mới.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, chính phủ cho phép các địa phương đưa ra chính sách riêng cho doanh nghiệp. Một số chính sách nổi bật có thể kể như miễn phí thuê kho, hỗ trợ một lần từ 30.000 - 50.000 nhân dân tệ (105 - 175 triệu đồng) để khởi nghiệp, hoặc hỗ trợ chi phí vận hành khi doanh nghiệp đạt được KPI (chỉ tiêu) đề ra...
Các chính sách địa phương đưa ra cũng khác nhau phụ thuộc vào từng cửa khẩu, từng quốc gia. Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc qua Việt Nam, thông qua tỉnh của chúng tôi, được áp dụng chính sách hoàn thuế sau khi đã đóng. Miễn thuế cho hàng nông nghiệp hai bên, khuyến khích nông dân đưa hàng hóa của hai quốc gia giao thương qua lại.
Xây kho hải ngoại nằm trong chiến lược chung. Phía địa phương chúng tôi cũng nhận KPI thúc đẩy 500 kho tại hải ngoại, bao gồm khoảng 20 kho dành cho thị trường Việt Nam. Căn cứ quy mô, địa điểm đặt, mục tiêu mong muốn, năng lực và kết quả đạt được... sẽ đưa ra chính sách riêng, điển hình như hỗ trợ chi phí vận hành kho.
* Giới kinh doanh và cả người tiêu dùng Việt Nam rất ấn tượng trước thời gian giao hàng nhanh chóng từ Trung Quốc. Vậy ngoài việc xây kho bãi tại biên giới và ở Việt Nam, phía Trung Quốc còn có chiến lược nào khác, thưa ông?
- Trung Quốc đang phát triển rất nhiều tuyến đường để hỗ trợ công tác vận chuyển của ngành logistics. Gần đây phát triển tuyến cao tốc đến tây bắc. Bắt đầu phía nam Trung Quốc (phía Bắc Việt Nam), chạy qua nhiều tỉnh thành Quý Châu, Vân Nam đi qua Nam Ninh, Tô Châu, thậm chí đi đến Tân Cương rồi kết nối Nga, Kazakhstan...
Hệ thống giao thông đồng bộ này đã góp phần giúp giảm giá thành vận chuyển, rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu suất, tăng cường giao thương. Ví dụ ở Sơn Tây (Trung Quốc) có rất nhiều nông sản. Khi tuyến đường trên phát triển xong, có thể nhanh chóng vận chuyển về cửa khẩu Việt Nam. Ngược lại, sản phẩm nông sản Việt Nam cũng có thể chuyển sang tây bắc (Trung Quốc) và một số nước khác.
Chính phủ có chiến lược đẩy mạnh nghiệp vụ vận chuyển qua đường tàu cao tốc, vận tốc trung bình 400km/h. Khi đó, hàng hóa từ Bắc Kinh về Việt Nam, quãng đường 2.000km chỉ mất 5 giờ, ưu thế rất lớn. Hiện tại tuyến đường cao tốc trên đã chạy từ Tứ Xuyên về Côn Minh (Vân Nam). Thậm chí đang thí điểm về cửa khẩu Đông Hưng (giáp Quảng Ninh, Việt Nam). Sau khi thí điểm thành công sẽ phát triển toàn mạng lưới.
Ngoài ra, Trung Quốc đang có khoảng 2.000 sân bay sử dụng, khai thác vận chuyển logistics trên toàn quốc. Hy vọng Việt Nam cũng sẽ đầu tư nhiều hơn cho các cảng hàng không để đáp ứng nhu cầu giao thương giữa hai quốc gia.
Phát triển hệ thống hạ tầng, thúc đẩy giao thương với Việt Nam Ông Mã Nhân Hồng cho biết cửa khẩu Đông Hưng (giáp Quảng Ninh) đang phát triển giao thương hàng hóa một cách mạnh mẽ. Do đó, địa phương này có chiến lược xây dựng tuyến đường vận chuyển logistics có hiệu suất cao, kết nối từ Quảng Châu (thủ phủ của Quảng Đông) tới tỉnh này để đi đến Việt Nam. Tuy nhiên, ông Hồng cũng bày tỏ mong muốn có tuyến đường doanh nghiệp hai nước dùng chung, chạy từ cửa khẩu vào đến Hà Nội, Đà Nẵng, thậm chí TP.HCM, sử dụng năng lượng xanh. "Thông qua sự hỗ trợ cơ sở hạ tầng giữa hai quốc gia, có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy nghiệp vụ logistics...", ông Hồng nói. |
Doanh nghiệp logistics Trung Quốc có hệ sinh thái bài bản, hiện đại, đầu tư lớn tại Việt Nam - Ảnh: BÔNG MAI
Thương mại điện tử Việt Nam thiếu kho hàng, chưa được hỗ trợ Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) thừa nhận rằng các chính sách hỗ trợ của Trung Quốc cho các doanh nghiệp logistics và sàn thương mại điện tử đã góp phần giúp giá thành sản phẩm giảm, tăng sức cạnh tranh. Trong khi đó, doanh nghiệp logistics Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do chi phí thuê đất đắt đỏ, thủ tục phức tạp lại không nhận được hỗ trợ gì về chính sách. Do đó, các doanh nghiệp chỉ xây kho hàng phục vụ sản xuất, phân phối truyền thống chứ ít có kho hàng chuẩn cho nhóm doanh nghiệp hàng thương mại điện tử. Nhà sản xuất tạo ra sản phẩm, tự chứa hàng vì chưa tin thương mại điện tử giúp bán hàng nhanh, tạo ra sự khác biệt. Theo vị này, các doanh nghiệp phải hợp sức mới có thể phát triển mạnh logistics. Theo đó, các doanh nghiệp lớn bắt tay với nhau, tạo ra mô hình tập trung về mặt sản lượng có quy mô, sử dụng chung hạ tầng logistics giúp chi phí đầu đơn trên sản phẩm thấp đi, tăng sức cạnh tranh. Ngoài ra cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tập trung đầu tư hạ tầng kho bãi và kho ngoại quan, thúc đẩy giao dịch xuyên biên giới. |
Trung Quốc dành nhiều ưu đãi cho đầu tư phát triển logistics Trao đổi với chúng tôi tại buổi làm việc ở Hàng Châu (Trung Quốc), lãnh đạo một doanh nghiệp logistics cho biết ngành logistics nhận được chính sách ưu đãi từ chính quyền. Doanh nghiệp nào đáp ứng chỉ tiêu đặt ra sẽ được ưu đãi nhằm cắt giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành sản phẩm để tăng cạnh tranh trong khu vực và thế giới. Dựa vào chính sách chung, từng địa phương cụ thể tùy tình hình để phân bổ chính sách riêng cho phù hợp. Chẳng hạn, theo chị L., giám đốc marketing của một doanh nghiệp logistics của Trung Quốc, chính quyền quận Thị Trung thuộc TP Tảo Trang (tỉnh Sơn Đông) tung ra chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kho bãi. Theo đó, nếu tổng diện tích kho bãi được xây dựng hoặc cho thuê độc lập bởi một doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới đạt hơn 500m2 và đầu tư thực tế hằng năm đạt hơn 300.000 nhân dân tệ, chi phí mua và thuê không gian kho ở nước ngoài, mở rộng và nâng cấp các cơ sở lưu trữ của doanh nghiệp... sẽ được trợ cấp theo 10% vốn đầu tư thực tế hằng năm (tối đa 100.000 nhân dân tệ/doanh nghiệp, tương ứng gần 350 triệu đồng). Trong khi đó, huyện Vân Hòa (tỉnh Chiết Giang) đã đưa ra hàng loạt biện pháp để thúc đẩy phát triển ngành logistics. Cụ thể, các doanh nghiệp đạt mức trên 2 triệu kiện hàng giao trở lên và có tỉ lệ tăng trưởng trên 15% so với năm trước sẽ được hỗ trợ 0,5 nhân dân tệ/kiện (áp dụng cho phần tăng thêm so với năm trước) nhưng không vượt quá 150.000 nhân dân tệ (hơn 520 triệu đồng)/năm... |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/trung-quoc-tiep-tuc-xay-nhieu-kho-bai-de-dua-hang-vao-viet-nam-20240809081215374.htm