4
/
167891
Nhiều thương nhân bị rút phép, nguồn cung xăng dầu có ảnh hưởng?
nhieu-thuong-nhan-bi-rut-phep-nguon-cung-xang-dau-co-anh-huong
news

Nhiều thương nhân bị rút phép, nguồn cung xăng dầu có ảnh hưởng?

Thứ 4, 07/08/2024 | 08:09:54
2,167 lượt xem

Nhiều thương nhân phân phối xăng dầu bị rút giấy phép do không đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động. Câu hỏi đặt ra là, thị trường xăng dầu trong nước liệu có bị ảnh hưởng bởi việc này?

Rút giấy phép và kiểm tra nhiều DN

Trong tháng 7, Bộ Công thương đã thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của một số doanh nghiệp (DN) như Công ty CP thương mại nhiên liệu Cửu Long (Q.1, TP.HCM), Công ty TNHH đầu tư phát triển xăng dầu Việt Nhật (Ninh Bình), Công ty CP vận tải dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh (Nghệ An)… Trong đó, lý do thu hồi giấy phép đối với Cửu Long và Việt Nhật là theo đề nghị của các DN về việc hoàn trả lại giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.

Nhiều thương nhân bị rút phép, nguồn cung xăng dầu có ảnh hưởng?- Ảnh 1.

Việc thu hồi loạt giấy phép của các thương nhân phân phối được cho là sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung ra thị trường. Nhật Thịnh

Ngoài ra, Bộ cũng đã và đang tiến hành cho lập các đoàn kiểm tra điều kiện cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu đối với một số DN; kiểm tra loạt các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc một số thương nhân phân phối tại khu vực phía nam; kiểm tra các cửa hàng bán lẻ của thương nhân đầu mối xăng dầu H.L tại phía bắc... Đây cũng là DN đầu mối xăng dầu lớn tại miền Bắc, từng nằm trong danh sách kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về vi phạm sử dụng Quỹ bình ổn giá sai mục đích, không kết chuyển mà để lại tại tài khoản thanh toán của DN thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả, với số tiền trên 2.500 tỉ đồng.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) tổng kết: Từ tháng 1 - 7, Bộ Công thương đã ban hành loạt quyết định kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu của 6 thương nhân đầu mối và 8 thương nhân phân phối và hiện nay đang trong quá trình thực hiện.

Đối với vấn đề này, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho rằng: Về cơ bản, các thương nhân đã chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu, báo cáo duy trì, thay đổi hệ thống phân phối, báo cáo tình hình sản xuất, xuất, nhập, tồn kho, báo cáo quỹ bình ổn giá, kê khai giá bán... định kỳ theo quy định và đột xuất theo yêu cầu của Bộ Công thương. Tuy vậy, vẫn có vài thương nhân có dấu hiệu vi phạm, không duy trì điều kiện kinh doanh, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra 4 thương nhân đầu mối; 20 thương nhân phân phối có dấu hiệu vi phạm để xem xét xử lý theo quy định.

Xung quanh việc này, câu hỏi mà nhiều người đặt ra là, việc thu hồi giấy phép hàng loạt thương nhân phân phối liệu có gây gián đoạn, ảnh hưởng nguồn cung tại thị trường trong nước? Bộ Công thương khẳng định việc cung ứng xăng dầu vẫn cơ bản đáp ứng nhu cầu bởi các thương nhân đầu mối kinh doanh vẫn thực hiện nghiêm tổng nguồn tối thiểu được phân giao.

Năm 2024, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được Bộ Công thương phân giao cho 36 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện tổng cộng khoảng 28,44 triệu m³/tấn các loại. Trong đó, xăng dầu mặt đất (bao gồm xăng, diesel, dầu mazut, dầu hỏa) là khoảng 27,46 triệu m³/tấn; nhiên liệu hàng không (bao gồm Jet A1, xăng tàu bay) là hơn 980.000 m³. Trong 6 tháng đầu năm, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước đạt khoảng 13,8 triệu m³/tấn xăng dầu các loại, bằng 48% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công thương phân giao. Dự báo 6 tháng cuối năm, 2 nhà máy lọc dầu trong nước ước sản xuất khoảng 8,26 triệu tấn, tương đương 9,9 triệu m³/tấn xăng dầu các loại; nhập khẩu ước đạt khoảng 4,5 triệu tấn (tương đương khoảng 5,4 triệu m³/tấn xăng dầu các loại). Như vậy, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu 6 tháng cuối năm khoảng 12,76 triệu tấn, tương đương khoảng 15,3 triệu m³/tấn.

"Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, từ đầu mối, thương nhân phân phối, DN bán lẻ trong mọi tình huống", đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh.

Nhiều DN chỉ rút khỏi vai trò làm thương nhân phân phối, nhưng hệ thống cửa hàng bán lẻ của DN vẫn tồn tại, như vậy, những lo ngại đứt gãy thị trường rất khó xảy ra.

Ông Bùi Ngọc Bảo

Giúp thị trường "khỏe" hơn

Trả lời Thanh Niên, nhiều chuyên gia xăng dầu cũng cho rằng việc tham gia thị trường hay rút khỏi thị trường là điều hết sức bình thường của DN. DN này rút khỏi thị trường, sẽ có DN khác "choàng" vào chứ không thể để trống bất kỳ lúc nào. Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN Bùi Ngọc Bảo thừa nhận thương nhân phân phối trong hệ thống kinh doanh xăng dầu là khâu quan trọng trong lưu thông. Đâu cần thì họ xuất hiện và họ có nhiều ưu thế để xuất hiện vì tính chất bao phủ thị trường.

"Về bản chất mà nói, thương nhân phân phối có vai trò điều hòa thiếu - thừa tại một thị trường cụ thể nào đó, vùng sâu, xa chẳng hạn và họ có mạng lưới lớn, có vai trò quan trọng chứ không chỉ là khâu trung gian. Trong khi thương nhân đầu mối đa số chỉ tập trung tại các TP lớn. Tuy vậy, đã gọi là thị trường, thương nhân này rút lui sẽ có thương nhân khác thay thế, không bao giờ bỏ trống. Phân phối thực tế có hệ thống đại lý, nhượng quyền… qua các hợp đồng kinh tế, nên khi rút khỏi thị trường cũng chưa gọi là rút hẳn. 

Nhiều DN chỉ rút khỏi vai trò làm thương nhân phân phối, nhưng hệ thống cửa hàng bán lẻ của DN vẫn tồn tại, như vậy, những lo ngại đứt gãy thị trường rất khó xảy ra. Ngược lại, việc này giúp thị trường xăng dầu "khỏe" hơn mà thôi. Thứ hai, việc kiểm tra các DN đầu mối hay phân phối là hoạt động thường xuyên của ngành công thương, mục đích chấn chỉnh lại thị trường đối với ngành hàng kinh doanh có điều kiện và chắc chắn không ảnh hưởng đến nguồn bởi vai trò tạo nguồn từ DN đầu mối", ông Bùi Ngọc Bảo nói.

Ông cũng cho rằng do là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nên một số thương nhân phân phối sau thời gian hoạt động, không đáp ứng đủ các điều kiện thì tự nguyện rút khỏi thị trường. Bên cạnh đó, dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Tư pháp thẩm định cho thấy, có một số điều kiện không cần thiết áp với thương nhân phân phối cũng bị loại bỏ, chẳng hạn yêu cầu kho dự trữ 2.000 m³…

PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia về thị trường xăng dầu, đồng quan điểm rằng việc tạo nguồn và giúp ổn định nguồn là DN đầu mối xăng dầu thực hiện. Chính khâu đầu mối mới có quyền nhập khẩu và mua từ nhà máy sản xuất để bán ra thị trường. Thương nhân phân phối giúp đưa hàng hóa gần với người tiêu dùng hơn qua hệ thống đại lý bán lẻ, nhượng quyền…

"Với hàng trăm thương nhân phân phối, việc rút khỏi thị trường hơn chục thương nhân không gây ảnh hưởng hệ thống phân phối. Nhưng nhiều hơn có thể bị ảnh hưởng đứt gãy. Tuy vậy, điều này khó xảy ra. Việc thị trường xăng dầu có "trăm hoa đua nở" với các tổng đại lý, đại lý, thương nhân phân phối… rất chằng chịt, lại không đáp ứng yêu cầu theo quy định, việc thu hồi giấy phép để chấn chỉnh thị trường là cần thiết. Số này rất nhỏ, nhưng qua đó, giúp thị trường hoạt động ổn định hơn", PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Thị trường xăng dầu đang hoạt động khá ổn định trong bối cảnh thị trường thế giới luôn biến động bởi xung đột địa chính trị ở Trung Đông. Với dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu mới đang vào giai đoạn gần được ban hành, hy vọng với các diễn biến trong và ngoài nước, thị trường xăng dầu sẽ ổn định đúng nghĩa của nó và hướng đến thị trường minh bạch, ít điều kiện và thông thoáng nhất có thể.

PGS-TS Ngô Trí Long

Theo Nguyên Nga/Thanh niên

https://thanhnien.vn/nhieu-thuong-nhan-bi-rut-phep-nguon-cung-xang-dau-co-anh-huong-185240806222420833.htm

  • Từ khóa

Việt Nam lại sắp có thêm một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới

Tính đến nay, Việt Nam có 4 sàn thương mại điện tử lớn, gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki.
15:45 - 03/12/2024
280 lượt xem

Giá vé máy bay Tết đắt vẫn khó mua

Dù các hãng bay cung ứng 7 triệu vé, song thống kê từ cơ quan quản lý cho thấy giá vé máy bay dịp sát Tết tăng khoảng 20% so với ngày thường. Trong khi...
08:52 - 03/12/2024
446 lượt xem

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về "3 mục tiêu, 7 nhiệm vụ, giải pháp" của logistics

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh ngoại giao logistics và hiện đại hóa nội địa; xây dựng phát triển quốc gia thương mại tự do
13:58 - 02/12/2024
901 lượt xem

Traveloka, Booking, Agoda đang át vía các đại lý du lịch Việt

Phần lớn thị phần du lịch trực tuyến tại Việt Nam thuộc về các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) ngoại như Traveloka, Booking.com và Agoda. Các doanh nghiệp...
10:18 - 02/12/2024
978 lượt xem

Siết thuế sàn thương mại điện tử

Từ 1.4.2025, theo sửa đổi một số điều của luật Quản lý thuế, sàn thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử phải khấu trừ, nộp thuế thay và kê khai số...
07:17 - 02/12/2024
1,086 lượt xem