4
/
165512
Kinh tế Nhật Bản đối mặt nhiều khó khăn
kinh-te-nhat-ban-doi-mat-nhieu-kho-khan
news

Kinh tế Nhật Bản đối mặt nhiều khó khăn

Chủ nhật, 16/06/2024 | 07:14:29
2,135 lượt xem

Những chuyển động ngược chiều nhau đang diễn ra trong nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc. Mặc dù vị trí kinh tế của Nhật Bản sụt giảm so với các nền kinh tế phát triển khác, thị trường chứng khoán Tokyo vẫn tăng trưởng mạnh.

Dây chuyền sản xuất xe hơi tại Nhật Bản. (Ảnh ET AUTO)

Dây chuyền sản xuất xe hơi tại Nhật Bản. (Ảnh ET AUTO)

Do bị Đức vượt qua, GDP của Nhật Bản năm 2023 tụt xuống thứ tư thế giới, 13 năm sau khi bị Trung Quốc chiếm vị trí số hai. Nhưng thị trường chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt mức cao chưa từng có, chỉ số Nikkei vượt 40.000, cao hơn đỉnh lần trước vào năm 1989.

Kinh tế Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn. Quỹ Tiền tệ quốc tế cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế hằng năm của Nhật Bản từ năm 2000 đến năm 2022 chỉ đạt 0,7%, trong khi của Đức là 1,2%. Do đó, trong 20 năm qua, GDP thực tế của Nhật Bản chỉ tăng khoảng 10%, trong khi của Đức tăng gần 20%.

Năng suất lao động của Nhật Bản xếp thứ 30 trong 38 nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) năm 2022, thấp nhất trong các nước G7, chỉ bằng 60% của Đức (nước xếp thứ hai, chỉ sau Mỹ). Đó là lý do GDP của Đức có thể đuổi kịp và vượt Nhật Bản, mặc dù dân số chỉ bằng hai phần ba của Nhật Bản.

Nhật Bản còn có vài chỉ dấu kinh tế đáng lo nữa. Năm 2022, GDP bình quân đầu người của Nhật Bản chỉ đạt 34.064 USD, xếp thứ 21 trong 38 nước OECD, thấp nhất kể từ thập niên 80 của thế kỷ 20. Nhật Bản chỉ chiếm 4,2% GDP thế giới, cũng là mức thấp nhất kể từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, chỉ số chứng khoán của Nhật Bản tăng vọt. Lý do chính là tình hình kinh doanh của nhiều công ty lớn vẫn tốt nhờ đồng yen yếu, như Tập đoàn Toyota đạt mức lợi nhuận và giá trị thị trường chưa từng có.

Một tác nhân lớn nữa là đầu tư từ nước ngoài tăng, thí dụ như Warren Buffett tiếp tục bơm tiền vào thị trường chứng khoán Nhật Bản, do thu nhập từ nơi này vẫn ổn định. Chính phủ Nhật Bản cũng đang khuyến khích người dân đầu tư.

Nhưng đồng yen yếu là con dao hai lưỡi, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các công ty xuất khẩu, nhưng khiến các doanh nghiệp nhập khẩu (dựa vào năng lượng, lương thực và nguyên liệu nước ngoài) chịu tổn thất nặng nề. Các công ty lớn có thể được lợi, nhưng hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thì không.

Khó khăn lớn nhất kinh tế Nhật Bản đang đối mặt là tiêu dùng cá nhân sụt giảm. Lương công nhân gần như không tăng trong suốt 30 năm qua. Đó là sự bất thường với một nền kinh tế phát triển. Mặc dù các công ty lớn đã tăng lương cho công nhân theo yêu cầu của chính phủ, nhưng số đông SME không muốn làm việc này.

Do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nới lỏng quy định tài chính, kinh tế Nhật Bản dần đảo chiều từ giảm phát sang lạm phát trong vài năm vừa qua. Giá hàng tiêu dùng tăng vọt.

Thu nhập của người dân cũng tăng nhưng không theo kịp lạm phát. Tỷ lệ lạm phát năm 2024 dự báo khoảng 3%, trong khi lương thực tế trong tháng 1/2024 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Xu hướng này không chỉ làm sụt giảm tiêu dùng cá nhân mà còn dẫn tới “chảy máu” lao động lành nghề. Nhiều công nhân lành nghề của Nhật Bản đang chuyển tới Mỹ và châu Âu, nơi họ nhận được lương cao hơn khi làm cùng loại công việc.

GDP của Nhật Bản sụt 2% trong quý I/2024 so với cùng kỳ năm 2023, lần đầu giảm sau hai quý tăng liên tiếp. Do lạm phát tăng, tiêu dùng cá nhân (chiếm hơn nửa GDP) giảm 0,7%, là quý thứ tư liên tiếp giảm. Thêm vào đó là việc xuất khẩu xe hơi tạm ngừng sau bê bối khâu kiểm tra an toàn tại Công ty Daihatsu thuộc Tập đoàn Toyota.

Đầu tư vào công nghiệp xe hơi (một động lực chính của kinh tế Nhật Bản) giảm 0,8% trong quý I, sau hai quý tăng. Do kinh tế khởi sắc, tháng 3 vừa qua, BOJ tăng lãi suất cơ bản lên mức 0,1%, chấm dứt 17 năm liền duy trì lãi suất âm. Tuy nhiên, những khó khăn hiện tại khiến BOJ khó có thể tiếp tục tăng lãi suất.

Chính sách kinh tế của chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio cơ bản kế thừa chính sách Abenomics của chính phủ tiền nhiệm, tập trung cùng lúc hai mục tiêu là vừa đạt tăng trưởng, vừa chia lại thu nhập. Nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy những khó khăn kinh tế sẽ sớm được tháo gỡ.

Theo Tô Minh/NDO

https://nhandan.vn/kinh-te-nhat-ban-doi-mat-nhieu-kho-khan-post814539.html

  • Từ khóa

Vietjet khai trương đường bay Hà Nội-Kuala Lumpur

Ngày 23/11, tại Kuala Lumpur (Malaysia), Vietjet chính thức khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại,...
16:57 - 23/11/2024
397 lượt xem

Giá USD tăng cao nhất trong năm

Tỷ giá đang chịu nhiều sức ép vào thời điểm cuối năm. Giá USD trong ngân hàng tăng cao ở mức kịch trần cho phép còn đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế...
08:57 - 23/11/2024
584 lượt xem

Trung Quốc trỗi dậy về công nghệ, Hàn Quốc đứng ngồi không yên

Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc đang gây áp lực lớn lên các ngành công nghiệp và công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc.
20:04 - 22/11/2024
876 lượt xem

Xăng sinh học tiêu thụ ít, Bộ Công Thương thay đổi đề xuất điều hành giá

Hai mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến là RON 95-III và dầu diesel DO có thể sẽ được Bộ Công Thương công bố giá trần.
15:12 - 22/11/2024
1,004 lượt xem

Vé máy bay Tết đến hẹn lại căng

Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ 2025 không chỉ đắt đỏ mà còn khan hiếm, đặc biệt trên các đường bay tỉnh. Dù có mức giá gấp đôi ngày thường, nhưng nhiều chặng...
14:00 - 22/11/2024
1,013 lượt xem