Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 lên 5%, so với mức 4,6% trước đó
Hoạt động sản xuất tại châu Á đã mở rộng trong tháng rồi khi các nhà sản xuất được hưởng lợi từ nhu cầu toàn cầu gia tăng, từ đó củng cố hy vọng kinh tế khu vực sẽ phục hồi bền vững.
Kết quả cuộc khảo sát tư nhân công bố hôm 3-6 cho thấy hoạt động sản xuất tại Nhật Bản mở rộng lần đầu tiên sau một năm.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Ngân hàng Au Jibun tăng 50,4 trong tháng 5, so với mức 49,6 hồi tháng 4. PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng của hoạt động sản xuất và dưới 50 cho thấy sự thu hẹp. Lần gần đây nhất chỉ số này tăng trên 50 là vào tháng 5-2023.
Sự phục hồi trong các lĩnh vực ô tô và chất bán dẫn là một phần nguyên nhân dẫn đến sự mở rộng sản xuất nói trên. "Kết quả này cho thấy những xu hướng khích lệ trong ngành công nghiệp sản xuất với các đơn đặt hàng mới và sản lượng ổn định và các doanh nghiệp vẫn lạc quan về năm tới" - bà Pollyanna De Lima, chuyên gia của Công ty S&P Global Market Intelligence (Mỹ), nhận định với Reuters.
Còn tại Hàn Quốc, PMI của Công ty S&P Global tăng từ 49,4 vào tháng 4 lên 51,6 trong tháng 5. Đây là con số cao nhất kể từ tháng 5-2022. Theo khảo sát, việc ra mắt các sản phẩm mới, doanh số xuất khẩu mạnh hơn và nhu cầu cao hơn từ khách hàng trong nước góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất.
Một nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời ở TP Hợp Phì, tỉnh An Huy - Trung Quốc hôm 16-5 Ảnh: Reuters
Tại Trung Quốc, khảo sát của Caixin/S&P Global cũng cho thấy hoạt động sản xuất vào tháng rồi tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong khoảng 2 năm, một phần nhờ sự gia tăng của đơn đặt hàng mới. Theo khảo sát, PMI của Caixin/S&P Global tăng lên 51,7 trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 6-2022. Con số này vào tháng rồi là 51,4.
Nhờ vào một số chỉ số kinh tế được cải thiện và các bước chính sách mới trong quý I/2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tuần rồi đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 lên 5%, so với mức 4,6% trước đó.
Các khảo sát của khu vực tư nhân cũng cho thấy hoạt động sản xuất mở rộng tại một số nước châu Á khác trong tháng 5, như Indonesia, Philippines...
Riêng tại Ấn Độ, PMI của Ngân hàng HSBC trong tháng 5 giảm còn 57,5. Đây là mức thấp nhất 3 tháng trong bối cảnh nắng nóng khiến một số công ty phải giảm giờ làm việc. Dù vậy, PMI này vẫn ở mức trên 50 trong gần 3 năm qua.
Các nhà đầu tư kỳ vọng lĩnh vực sản xuất sẽ được thúc đẩy bởi chi tiêu công trong trường hợp Thủ tướng Narendra Modi được xác nhận thắng cử và tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3.
Trước đó, dữ liệu được chính phủ Ấn Độ công bố hôm 31-5 cho thấy nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á này trong quý I/2024 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này có được một phần nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành sản xuất và các nhà kinh tế kỳ vọng đà tăng trưởng này vẫn được duy trì mạnh mẽ trong năm nay.
Các kết quả PMI tích cực nói trên mang lại hy vọng về sự phục hồi ở châu Á và các nơi khác trên thế giới, cũng như giúp giảm bớt tác động tiêu cực liên quan đến chính sách tiền tệ của Mỹ.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn tỏ ra thận trọng. Chuyên gia Toru Nishihama của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life (Nhật Bản) cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá liệu sự cải thiện có được duy trì hay không do sự không chắc chắn về sức mạnh của các thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ.
Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy niềm tin kinh doanh ở Nhật Bản vẫn ổn định trong tháng 5 nhưng các nhà sản xuất và công ty thuộc ngành dịch vụ phàn nàn rằng áp lực lạm phát do đồng yen yếu đang làm giảm biên lợi nhuận.
Theo Hoàng Phương/NLĐO
https://nld.com.vn/kinh-te-chau-a-don-thong-tin-tich-cuc-196240603202327674.htm