Lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ ra các cách để nông dân đưa sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương lên sàn thương mại điện tử, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023.
Nông dân ở các điểm cầu trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 đặt nhiều câu hỏi với nhiều mảng khác nhau - Ảnh: THẢO THƯƠNG
Kết nối trực tuyến giữa hội nghị với điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, nông dân Trần Văn Tân, giám đốc Hợp tác xã dược liệu QueenFarm (Thanh Hóa), giãi bày hiện nay thị trường tiêu thụ nông sản nội địa gặp nhiều khó khăn, nghịch lý "được mùa rớt giá" thường xuyên lặp lại, tình trạng ùn ứ nông sản vẫn diễn ra mỗi khi vào vụ thu hoạch chính.
Tuy nhiên có tín hiệu đáng mừng là năm 2023, giá trị xuất siêu nông sản của nước ta rất lớn, đạt khoảng 11 tỉ USD.
"Xin phép được hỏi Chính phủ có giải pháp gì để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản địa phương quảng bá lên sàn thương mại điện tử trong nước và nước ngoài để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ?", ông Tân đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân "mách nước" và đưa ra những lưu ý:
"Nếu lên sàn thương mại điện tử hoặc sàn thương mại quốc tế, đề nghị bà con lưu ý đến chất lượng, mẫu mã, hàng hóa, tuân thủ các tiêu chuẩn mới ưu tiên đưa lên.
Còn với liên kết với các sàn quốc tế, các sàn thương mại nổi tiếng như Amazon, Alibaba… liên quan đến Hoa Kỳ, Trung Quốc họ đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn. Nhắc lại cần phải có sự liên kết, tạo thương hiệu sản phẩm tốt. Bà con cần kết hợp với địa phương, các sàn thương mại điện tử tham gia tập huấn, đào tạo cho bà con biết kỹ năng.
Ngoài học lý thuyết còn thực hành trực tiếp, khởi tạo các chương trình bán hàng; hỗ trợ các nền tảng cũng như các hệ thống hạ tầng sàn thương mại điện tử, đặc biệt ở các sở công thương phối hợp với sở thông tin và truyền thông đều có cổng thương mại điện tử và hỗ trợ về công nghệ, hạ tầng".
Đối với việc tiếp cận các sàn thương mại điện tử quốc tế, ông Tân thông tin hiện Bộ Công Thương thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
"Chương trình này đã hỗ trợ được hàng chục doanh nghiệp, với gần 10.000 sản phẩm được bán trên sàn thương mại điện tử Amazon, Alibaba… Dự kiến thời gian tới bộ sẽ phát triển trực tuyến nhằm hỗ trợ bà con nông dân bán hàng điện tử xuyên biên giới", ông Tân nói thêm.
Thương mại điện tử tăng 20-25%
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: "Hoạt động thương mại điện tử trong vài năm gần đây đạt sự tăng trưởng rất tốt, từ 20-25%. Và chiếm tỉ trọng cao, gần 10% trong tổng sản phẩm tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ cả nước nên còn nhiều dư địa để phát triển.
Hiện Bộ Công Thương và các ngành sẽ hỗ trợ bà con đưa sản phẩm lên sàn trước hết liên kết ngay và làm việc với các sàn thương mại điện tử trong nước, với lượng giao dịch hàng chục triệu lượt/ngày. Qua đó hỗ trợ cho bà con khi đăng ký lên tuân thủ các quy trình, quy định của các sàn thương mại điện tử".
Theo Thảo Thương/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/bo-cong-thuong-mach-nuoc-nong-dan-ban-nong-san-tren-san-thuong-mai-dien-tu-20231230173726361.htm