Với tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp, các ngân hàng gần đây liên tục tung ra các chương trình giảm lãi suất vay. Mặt bằng lãi suất cho vay đang dần kéo giảm xuống từ 0,5 - 3%/năm so với những tháng đầu năm.
Xuất hiện nhiều gói tín dụng giảm lãi vay
Trái ngược với tình hình cách đây một năm khi các ngân hàng (NH) không còn hạn mức tín dụng cho vay dẫn đến dòng vốn tín dụng từ NH bị tắc, hiện nay xuất hiện hàng loạt gói tín dụng cho vay với lãi suất (LS) ưu đãi. Tiên phong trong việc giảm LS cho vay thuộc về các NH thương mại nhà nước với mức giảm từ 0,5 - 1%/năm.
Chẳng hạn, Vietcombank cho vay sản xuất, kinh doanh ngắn hạn với khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh với mức LS 7,5%/năm cho khoản vay có thời hạn dưới 3 tháng; 7,8%/năm với khoản vay có thời hạn từ 3 đến dưới 6 tháng; 8,3%/năm với khoản vay từ 6 đến dưới 9 tháng; 8,6%/năm với thời hạn từ 9 đến dưới 12 tháng; 8,8%/năm với khoản vay thời hạn 12 tháng. VietinBank cũng vừa công bố ưu đãi LS cho vay chỉ từ 7,1% nhằm hỗ trợ nhu cầu sản xuất, kinh doanh cho khách hàng cá nhân. BIDV cho vay sản xuất, kinh doanh LS từ 7%/năm…
Lãi suất cho vay dần giảm
Nhiều NH thương mại cổ phần cũng tham gia theo làn sóng giảm lãi vay. Chẳng hạn, Ngân hàng Bản Việt hợp tác với Công ty quản lý quỹ Responsibility (Thụy Sĩ) triển khai chương trình "Tín dụng xanh" với LS vay ưu đãi chỉ từ 8,9%/năm. Chương trình có hạn mức 500 tỉ đồng dành cho các dự án sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thân thiện với môi trường hoặc nhằm bảo vệ môi trường, xã hội.
Trước đó, Bản Việt đã triển khai hàng loạt chương trình như gói vay "Combo 3 ưu đãi" với mức giảm LS tối đa lên đến 2%/năm, sản phẩm "Vay linh hoạt 24h" giải ngân ngay trong ngày dành cho các hộ kinh doanh tại đô thị và LS vay ưu đãi 10,5%/năm... Hay SeABank giảm LS tối đa 1%/năm với các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới.
Cụ thể, SeABank điều chỉnh giảm LS 0,5%/năm đối với tất cả khoản vay của khách hàng cá nhân hiện hữu. Đối với khoản vay mới có tài sản đảm bảo, mức LS giảm từ 0,7 - 1%/năm, trong đó mức giảm cao nhất 1%/năm áp dụng với các khoản vay ngắn hạn dưới 6 tháng. Đặc biệt, SeABank dành 3.450 tỉ đồng triển khai chương trình ưu đãi LS từ 9,29%/năm cho các khoản vay tiêu dùng mua nhà, ô tô. LienVietPostBank dành 15.000 tỉ đồng cho vay với LS giảm từ 0,5 - 1% từ nay đến ngày 30.9, trong đó 5.000 tỉ đồng đối với doanh nghiệp và 10.000 tỉ đồng đối với cá nhân.
Mặt bằng LÃI SUẤT vay kéo giảm dần
Theo NHNN, tính đến ngày 28.4, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế là hơn 12,28 triệu tỉ đồng, tăng 3,05% so với cuối năm 2022 và tăng 9,78% so với cùng kỳ. Như vậy, các nhà băng đã bơm ra thị trường trong tháng 4 khoảng 1% tín dụng, tương đương 118.000 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm 2023 chưa bằng một nửa so với năm 2022. Riêng tại TP.HCM, tăng trưởng tín dụng trong tháng 4 tăng thêm 0,65%, giảm so với mức tăng 1,37% hồi tháng 3.
Mặt bằng LS cao trong những tháng đầu năm là nguyên nhân gây ra tình trạng cho vay chậm lại. Trong quý 1/2023, dư nợ tín dụng của Vietcombank tăng chỉ 2,5%, đạt khoảng 1,165 triệu tỉ đồng; huy động tăng 3,1% so với cuối năm 2022. So với quý 1/2022, tăng trưởng tín dụng quý 1/2023 của Vietcombank chỉ khoảng 1/3, trong khi huy động thì xấp xỉ. Tại BIDV, đến hết quý 1/2023, dư nợ tín dụng đạt trên 1,57 triệu tỉ đồng, tăng trưởng tín dụng nhỉnh hơn năm ngoái, lên 5%; huy động vốn đạt trên 1,65 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 2,3%. Tăng trưởng tín dụng của ACB giảm nhẹ 0,6% so với đầu năm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết tốc độ cho vay doanh nghiệp và cá nhân giảm so với trước khi mặt bằng lãi vay tăng lên, trong đó khoản cho cá nhân vay mua nhà đất sụt giảm so với trước. Sau quyết định giảm LS cho vay 4 tháng đầu năm, mới đây, Vietcombank quyết định giảm thêm 0,5%/năm đến tháng 7 với hơn 600.000 tỉ đồng dư nợ với khoảng 110.000 khách hàng. Để có cơ sở giảm lãi vay trong thời gian tới, Vietcombank cùng một số NH lớn đã định hướng giảm thêm LS huy động trong tháng 5 để có điều kiện cơ sở giảm LS cho vay. Dự kiến mức LS huy động giảm thêm 0,3%/năm trong tháng 5.
Phát biểu tại Diễn đàn Toàn cảnh NH năm 2023 với chủ đề "Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu" do NHNN và Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 10.5, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận định năm 2023, nhờ nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ kiều hối; giải ngân FDI ổn định; tâm lý găm giữ đồng USD giảm đáng kể khi LS tiền đồng cao hơn so với đồng USD, thu hút người gửi tiền chuyển tiết kiệm sang tiền đồng… NHNN đã mua ngoại tệ giúp gia tăng dự trữ ngoại hối, do đó, áp lực tỷ giá trong năm 2023 sẽ vơi đi. Chuyên gia này đánh giá chính sách tiền tệ nên chuyển trạng thái từ chặt chẽ thận trọng sang nới lỏng thận trọng để hỗ trợ tăng trưởng; giảm LS, tăng khả năng tiếp cận vốn, cơ cấu lại nợ, cũng như hỗ trợ thanh khoản, đẩy mạnh cơ cấu lại các NH. Tuy nhiên, ông Lực cũng nhận định trạng thái "tiền rẻ" ngập tràn sẽ không còn như trước bởi bức tranh về nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi sau giai đoạn chống Covid-19.
Dù các NH đã tăng tốc giảm lãi vay, song theo các chuyên gia, mức LS hiện tại vẫn còn cao so với sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, bức tranh lợi nhuận quý 1 với hàng loạt nhà băng bỏ túi lợi nhuận tăng vọt trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn vẫn đang gây tranh cãi khi dư luận cho rằng chưa có sự chia sẻ thật sự giữa NH với người dân, doanh nghiệp, tức khách hàng của chính họ. Vì vậy, LS cho vay vẫn phải tiếp tục kéo xuống để hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ sức mua trên thị trường đi lên.
Giảm LÃI SUẤT cho vay nhà ở xã hội
Ngày 10.5, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 486 về mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở là 4,8%/năm (giảm 0,2% so với mức cũ). Lãi suất này áp dụng từ ngày 10.5.2023 đến 31.12.2024.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/lai-suat-vay-doi-chieu-dan-di-xuong-185230511001814562.htm