Riêng trong quý cuối năm 2022, số tiền trích giữ lại cho Quỹ bình ổn giá xăng dầu lên đến 2.155 tỉ đồng. Tính hết năm qua, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn 4.617 tỉ đồng.
Con số trên vừa được Bộ Tài chính thông tin theo nguyên tắc minh bạch trong điều hành giá xăng dầu được quy định tại Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021.
Theo Bộ Tài chính, đến cuối năm 2022, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu lên tới 4.617 đồng. Đặc biệt, trong quý 4/2022 (1.10 - 31.12.2022), tổng số tiền trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức 2.155 tỉ đồng. Trước đó, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu tại thời điểm 30.9.2022 ở mức 2.540 tỉ đồng. Như vậy, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu đã tăng gấp đôi sau 3 tháng.
Tính trung bình một tháng trong quý cuối năm, người dân phải "trả trước" cho tiền xăng dầu hơn 850 tỉ đồng, để đưa vào quỹ. Trong khi quý cuối năm cũng là quãng thời gian nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đi lại của người dân tăng mạnh.
Quỹ xăng dầu "hết phép" khi thị trường xăng dầu thế giới biến động liên tục
Trước đó, rất nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cuối tháng 8.2022, trong một thư kiến nghị gửi Bộ Công thương, UBND TP.HCM, Sở Công thương TP.HCM, 24 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã gửi thư "trải lòng” về tình hình hoạt động và kiến nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc kinh doanh. Trong thư, các doanh nghiệp cũng đặt vấn đề. tại sao phải trích quỹ bình ổn? Trích quỹ bình ổn kỳ này có đúng mục đích Chính phủ đề ra không và có phục vụ tốt cho xã hội chưa? Tại sao để các cửa hàng bán lẻ tư nhân lỗ liên tục mà không được đóng cửa. Như vậy liệu có làm méo mó định nghĩa về tự do kinh doanh không?
PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, Quỹ bình ổn xăng dầu là “sáng tạo” của Việt Nam, hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước, chi sau qua giá nên không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu. Đáng nói, Quỹ có xu hướng trích lập khi giá thế giới kỳ trước giảm và ngược lại. Ngoài ra, việc trích lập khi giá thế giới tăng cũng khá phổ biến. Vì vậy, nguyên tắc này không đảm bảo "bình ổn" và Quỹ cũng chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Kinh tế và chính sách ví von: “Quỹ này cũng như ruột thừa hay răng khôn ấy. Có thể ban đầu nó có vai trò nhất định, nhưng đến lúc nào nó bị bỏ lại, hay nói đúng hơn là một bộ phận “thừa thãi” trong cơ thể đã phát triển mà nhiều khi để nó tồn tại, lại gây đại họa cho sức khỏe con người”.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng từng nhiều lần kiến nghị bỏ quỹ bình ổn xăng dầu nhằm giúp tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/mot-nam-xang-dau-di-biet-quy-binh-on-con-den-4617-ti-dong-185230305073349071.htm