Ngân hàng (NH) Nhà nước vừa phân bổ room tín dụng còn lại của năm 2022 cho mỗi NH thương mại từ 0,7% đến 4%. Các NH bắt đầu giải ngân cho vay nhưng với số tiền vẫn hạn chế.
Số liệu của NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho thấy từ đầu năm 2022, NH này đã được cấp room tín dụng 15% so với tổng dư nợ tín dụng của năm trước hơn 970.000 tỉ đồng. Song, chỉ đến cuối tháng 6-2022, tăng trưởng tín dụng của NH này đã gần 13,2%. Đến ngày 8-9, Vietcombank được phân bổ room tín dụng 2,7%, tương ứng với số tiền hơn 26.000 tỉ đồng.
Một cán bộ cấp cao của Vietcombank cho biết NH bắt đầu giải ngân cho các khách hàng đã được chấp thuận vay vốn. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn cao gấp 2-3 lần so với số tiền được phép cho vay nên NH chỉ giải ngân khoảng 30-50% số tiền khách cần vay; tích cực thu hồi nợ để có thêm dư địa cho vay tiếp.
NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) được tăng thêm room tín dụng 4% so với dư nợ năm trước là 388.216 tỉ đồng. Theo đó, từ nay đến cuối năm, Sacombank có thêm 15.500 tỉ đồng để cho vay. Room tín dụng của NH TMCP Á Châu (ACB) cũng được tăng từ 10% lên gần 13% so với dự nợ cho vay của năm 2021 là 362.000 tỉ đồng. Như vậy, ACB có thêm khoảng 11.000 tỉ đồng để cho vay.
Dù vậy, một số cán bộ Sacombank, ACB cho rằng hạn mức cho vay tăng thêm không nhiều so với nhu cầu của DN, nên buộc các NH phải giải ngân cho khách hàng theo hướng nhỏ giọt và tùy vào mức độ còn lại của room tín dụng để giải ngân cho các khoản vay tiếp.
Về phía khách hàng, ông Nguyễn Đình Minh, chủ một DN nhỏ ở TP HCM, cho hay vừa được ACB giải ngân 6,5 tỉ đồng là vốn vay lưu động sau 20 ngày chờ đợi. DN ông được giải ngân vì quay vòng vốn nhanh, trả nợ đúng hạn, thậm chí có khi trả trước hạn, trong khi nhiều DN khác vẫn đang "xếp hàng" chờ vốn.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho hay để gỡ khó về vốn cho DN du lịch, sở đã phối hợp với NH Nhà nước chi nhánh TP HCM tổ chức chương trình kết nối, làm sao để DN có thể vay vốn tín chấp với điều kiện chứng minh được dòng tiền, doanh thu từ hoạt động kinh doanh... Vốn tín dụng trong giai đoạn phục hồi là rất cần thiết. Do đó, việc các NH có thêm dư địa cho vay cũng tạo cơ hội tiếp cận vốn cho DN.
Theo ông John Andre, giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), nhiều NH trung ương trên thế giới đang ưu tiên hạ nhiệt lạm phát bằng cách tập trung giảm nguồn cung tiền. Tại Việt Nam, tín dụng NH là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Nếu NH Nhà nước không kiểm soát tốt tín dụng, các NH thương mại có thể tăng dư nợ cho vay đến mức bất ổn kinh tế vĩ mô, làm tăng rủi ro liên quan đến lạm phát.
Theo Thy Thơ - Thái Phương/NLĐ
https://nld.com.vn/kinh-te/them-room-tin-dung-ngan-hang-van-chat-vat-cho-vay-20220912134122764.htm