Ngoài sản phẩm có chất lượng tốt, cần phải kể được câu chuyện đầy cảm xúc để lôi cuốn khách hàng
Ngày 9-9 tại TP Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Sức lan tỏa mạnh mẽ
Theo Bộ NN-PTNT, OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn được triển khai theo Quyết định 490/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm phát huy nội lực, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân và mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn. Sau hơn 4 năm triển khai, chương trình đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Sản phẩm OCOP được người tiêu dùng quan tâm tại Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội năm 2022
Đến ngày 31-8, tất cả 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm. Cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên - trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao; đã có hơn 4.351 chủ thể OCOP, trong đó 38,3% là hợp tác xã, 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Ngoài ra, các địa phương đã đánh giá và công nhận 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, tỉnh chỉ có 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, số lượng sản phẩm 3 sao và 4 sao không nhiều bằng những địa phương khác. Tuy vậy, các sản phẩm OCOP đã góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Công cho biết Sơn La rất mạnh dạn trong triển khai quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, tổ chức liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm.
Tuy nhiên, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất không có đủ tiềm lực đầu tư để phát triển, nâng hạng sản phẩm OCOP; chất lượng sản phẩm chưa được đánh giá đồng đều. Vì vậy, ông kiến nghị Bộ NN-PTNT phối hợp các bộ, ngành sớm xây dựng bộ tiêu chí quốc gia cho sản phẩm OCOP từ 3 sao, 4 sao và 5 sao. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc sản của địa phương.
Sáng tạo để nâng giá trị sản phẩm
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng nếu đô thị là nơi so sánh đẳng cấp văn minh giữa các quốc gia thì nông thôn là nơi so sánh sự đa dạng và giá trị bản sắc của mỗi dân tộc. Điều này đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ phát triển nông thôn; ở đó trách nhiệm không chỉ thuộc về Bộ NN-PTNT mà còn của tất cả bộ, ngành, địa phương…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận kết quả thực hiện Chương trình OCOP thời gian qua là đáng khích lệ nhưng chưa có gì bảo đảm thành công lâu dài trong một thế giới cạnh tranh. Bởi theo ông, ngày nay là thời đại "bi kịch của người sản xuất" vì có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng lựa chọn. Ví dụ, trà hoa vàng tưởng là đặc sản riêng có của Quảng Ninh nhưng ở Bắc Kạn, Hà Nội nay cũng có. "Bởi vậy, muốn bán được hàng, ngoài sản phẩm có chất lượng tốt, chúng ta cần phải kể được câu chuyện đầy cảm xúc để lôi cuốn khách hàng" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Lấy thêm ví dụ về quả măng cụt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói rằng ở nước ta, măng cụt chủ yếu bán tươi, còn ở Thái Lan thì được chế biến rất đa dạng như: măng cụt sấy, nước ép măng cụt, nước măng cụt lên men, viên nén bổ sung chất chống ôxy hóa từ vỏ măng cụt… Hay với quả xoài, người Thái Lan đã tạo ra các sản phẩm xoài sấy dẻo và tạo tác thành những bông hoa đựng trong hộp bảo quản trong suốt để đưa vào nhà hàng, khách sạn cho thực khách thưởng thức cùng nước trà, cà phê…
Từ những góc tiếp cận và cách làm sáng tạo ấy, Thái Lan có thể nâng giá trị sản phẩm lên gấp 10 lần sản phẩm thông thường. "Thay vì sản xuất 10 sản phẩm để có 10 đồng, chúng ta hãy chăm chút, đào sâu nghiên cứu, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, quảng bá xây dựng thương hiệu để bán 1 sản phẩm với giá 10 đồng, đó chính là tư duy kinh tế" - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT gợi mở.
Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, chương trình nông thôn mới giai đoạn trước thành công và mang lại ý nghĩa to lớn nhưng nay là lúc khởi tạo cho giai đoạn mới. Đối với Chương trình OCOP, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết sẽ tạo thêm không gian phát triển kinh tế, hòa quyện chung cho giai đoạn sắp tới là phát triển kinh tế nông thôn.
Các địa phương cần thay đổi tư duy, đầu tư hơn trong xây dựng sản phẩm đặc trưng để tạo ra sự khác biệt nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Mỗi tỉnh, thành phố cần quan tâm, xây dựng các không gian để quảng bá sản phẩm OCOP tại những vị trí đắc địa, các khách sạn, nhà hàng, nơi có nhiều người qua lại.
Hướng đến nền nông nghiệp an toàn
Chiều cùng ngày, tại Long An, Cục Bảo vệ Thực vật (thuộc Bộ NN-PTNT), Sở NN-PTNT tỉnh Long An và Công ty TNHH Tập đoàn An Nông đã ký kết 3 bên chương trình hợp tác sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn và hiệu quả giai đoạn 2022-2025.
Chương trình nhằm mục đích hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; thu gom và xử lý bao, gói thuốc bảo vệ thực vật và phân bón sau sử dụng đúng quy định, hướng đến nền nông nghiệp an toàn, nâng cao giá trị nông sản và phối hợp tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. V.Ngọc
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/kinh-te/tao-su-khac-biet-cho-san-pham-ocop-20220909215009989.htm