Giá USD bán ra tại nhiều ngân hàng đã vượt mức 23.800 đồng. Trong khi đó, giá vàng được giao dịch trong biên độ hẹp khiến nhà đầu tư không đạt được tỷ suất sinh lời cao.
Vàng trong nước đắt hơn quốc tế 17,7 triệu đồng/lượng
Kết thúc ngày 6/9, doanh nghiệp lớn tại Hà Nội niêm yết giá vàng miếng SJC tại 66-66,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với thời điểm mở cửa, giá này đã tăng 50.000 đồng ở 2 chiều.
Mức này chỉ bằng với giá kết phiên ngày liền trước. Khoảng cách 2 chiều mua - bán đang là 800.000 đồng/lượng. Như vậy, vàng trong nước vẫn được giao dịch tương đối ảm đạm. Nhà đầu tư nếu mua vàng thời điểm này sẽ không có được tỷ suất sinh lời cao.
Vàng trong nước vẫn ảm đạm (Ảnh: Tiến Tuấn).
Trên thị trường thế giới, tính đến 6h ngày 8/9 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên Kitco ở 1.718 USD/ounce, tăng 15,8 USD, tương ứng 0,92% so với giá đóng cửa phiên liền trước.
Biểu đồ cho thấy trong 24 giờ qua giá vàng có xu hướng đi lên. Song nếu nhìn rộng ra cách đây một tháng, giá vàng vẫn chỉ ở vùng giá thấp. Quy đổi theo tỷ giá USD tại Vietcombank chưa thuế phí, vàng SJC đang đắt hơn vàng quốc tế khoảng 17,7 triệu đồng/lượng.
Tâm điểm của thị trường tuần này được dự báo sẽ tác động đến giá vàng là cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào hôm nay (8/9). Các nhà đầu tư dự đoán về đợt nâng lãi suất thêm 0,75% để kiểm soát sự leo thang của giá cả. Ngoài ra, thị trường cũng đặt cược vào đợt tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp diễn ra vào ngày 20-21/9 tới
Giá bán USD tại ngân hàng vượt 23.800 đồng
Trong bối cảnh giá vàng chưa thể bứt phá, đồng USD vẫn neo ở mức cao. Đến 6h ngày 8/9 (giờ Việt Nam), chỉ số USD-Index giao dịch trên vùng 109,5 điểm, giảm nhẹ 0,8 điểm so với giá mở cửa phiên.
Nhưng nếu so với ngày đầu năm, chỉ số USD-Index hiện tại đã tăng 20,5%. Đồng bạc xanh dường như chưa có dấu hiệu sẽ ngừng tăng khi liên tục công phá các mốc mới. Trong phiên, USD-Index thậm chí có thời điểm đạt 110,7 điểm.
Nếu so với ngày đầu năm, chỉ số USD-Index hiện tại đã tăng 20,5% (Ảnh: Tiến Tuấn).
Hầu hết đồng tiền tệ quy đổi với đồng bạc xanh đều có xu hướng giảm. Toàn bộ đồng tiền khu vực châu Á đều đã mất giá so với USD trong tháng 8 và xu hướng này tiếp tục diễn ra trong những phiên giao dịch đầu tháng 9.
Tại thị trường trong nước, sau khi tỷ giá trung tâm USD/VND tăng liên tiếp 2 phiên đầu tuần, Ngân hàng Nhà nước ngày 7/9 một lần nữa tăng thêm 16 đồng, lên mức 23.261 đồng/USD. Như vậy, sau 3 phiên, tỷ giá trung tâm tăng tới 44 đồng. Trước đó, nhiều dự báo cũng đã cho rằng Ngân hàng Nhà nước tuần này có thể niêm yết tỷ giá ở mức cao hơn.
Giá bán USD tại hầu hết ngân hàng thương mại cũng trong xu hướng tăng vọt từ đầu tuần cho tới hiện tại. Hiện giá bán USD tại một số ngân hàng đã vượt 23.800 đồng.
Vietcombank hiện niêm yết giá mua - bán đồng bạc xanh ở mức 23.430 - 23.740 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 60 đồng ở 2 chiều so với mức niêm yết trước. BIDV tăng 40 đồng ở 2 chiều, niêm yết tại mức 23.440 - 23.720 đồng/USD. Vietinbank tăng tới 65 đồng, niêm yết tại 23.370 - 23.810 đồng/USD.
Tại các ngân hàng tư nhân, Eximbank đang niêm yết tỷ giá quy đổi ở mức 23.440-23.710 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 20 đồng ở chiều mua và 40 đồng ở chiều bán. ACB niêm yết giá USD ở mức 23.480 - 23.850 đồng/USD, tăng mạnh 80 đồng/USD chiều mua và giữ nguyên chiều bán.
Trên thị trường tự do, giá USD hiện phổ biến ở mức 24.120-24.220 đồng/USD (mua vào - bán ra), giữ nguyên so với phiên liền trước.
Theo Thảo Thu/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/giao-dich-vang-am-dam-nguoi-mua-khong-thay-lai-20220908075424224.htm