6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thịt heo tươi, heo đông lạnh đạt 5,13 nghìn tấn, trị giá 22,64 triệu USD, tăng 127,2% về lượng và tăng 26,5% về trị giá.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt đạt 8,59 nghìn tấn, trị giá 34,69 triệu USD, giảm 9,4% về lượng và giảm 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt còn rất khiêm tốn
Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 25 thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) là nhiều nhất, chiếm 51,1% tổng trị giá xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước, với 3,44 nghìn tấn, trị giá 17,71 triệu USD, giảm 42% về lượng và giảm 29,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022 gồm các chủng loại như: Thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh...
Trong đó, thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 5,13 nghìn tấn, trị giá 22,64 triệu USD, tăng 127,2% về lượng và tăng 26,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Thái Lan và Lào.
Theo Tổng cục Thống kê, ngành chăn nuôi vẫn đang phải đối mặt với khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, tuy nhiên do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi tăng, nên người chăn nuôi không mở rộng quy mô, tổng số gia cầm của cả nước tính đến cuối tháng 7/2022 tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021 - đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022. Tổng số bò của cả nước tính đến cuối tháng 7/2022 tăng khoảng 2,6%; tổng số heo tăng khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, vấn đề toàn cầu hóa về thị trường, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 15 hiệp định thương mại tư do thế hệ mới đã ký và 02 hiệp định đang đàm phán. Trong đó, khu vực các nước tham gia các Hiệp định CPTTP và EVFTA đều là những nước có không gian chăn nuôi lớn, có lợi thế hơn Việt Nam, sẽ càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Hoa Kỳ và châu Âu như thịt gà, thịt heo xuất vào thị trường Việt Nam.
Năm 2022, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2022 đạt khoảng 5,0- 5,5% so với năm 2021. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,95 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021 (trong đó sản lượng thịt heo hơi đạt trên 4,2 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,9 triệu tấn).
Hiện cả nước đang có 65 nhà máy, cơ sở giết mổ chế biến thịt bao gồm heo, gia cầm, trâu bò. Chế biến theo quy mô công nghiệp với công suất chế biến 1,1 triệu tấn/năm. Nhóm sản phẩm chế biến sâu chiếm 2-5%, còn đa phần chế biến ở cấp độ sơ chế, thịt đông lạnh, thịt mát. Theo kế hoạch Đề án phát triển cơ sở chế biến, giết mổ theo quy mô công nghiệp thì sản lượng chế biến sẽ nâng lên 25% vào năm 2025, lên 35% vào năm 2030. Đề án đã được xây dựng và trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - khẳng định, cần phải đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi bởi nếu chỉ quan tâm thị trường trong nước, không quan tâm tới thị trường nước ngoài, gắn chăn nuôi phát triển theo chuỗi thì đến lúc sản lượng nhiều, ngành chăn nuôi lại phải giải cứu.
Còn theo ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) - thời gian qua, việc xuất khẩu sản phẩm thịt cũng đã có những bước tiến như ngoài xuất khẩu thịt heo sữa, thịt heo mảnh sang Malaysia, Hồng Kông, vừa rồi có một số sản phẩm thịt lợn khử trùng xuất sang Hàn Quốc. Đây sẽ là tiền đề để mở rộng thị trường. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là hạ giá thành sản phẩm và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường hơn nữa.
Trong thị trường thịt heo toàn cầu có quy mô 28,5 tỷ USD, mỗi năm Việt Nam chỉ thu về 45 triệu USD từ xuất khẩu thịt heo. Việt Nam đang có quy mô ngành chăn nuôi nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á, với năng lực sản xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu thực phẩm thị trường nội địa và một phần cho xuất khẩu. Ngành chăn nuôi hiện đóng góp 25,2% GDP ngành nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng khá cao, dư địa còn lớn về năng suất, chất lượng và thị trường. Tuy nhiên, việc chưa khơi thông được thị trường xuất khẩu cho thịt và các sản phẩm thịt khiến các doanh nghiệp băn khoăn, lo lắng công suất sẽ phải cắt giảm vì chưa có đầu ra ổn định ở thị trường nước ngoài.
Để phát triển chăn nuôi bền vững trong thời gian tới, thúc đẩy xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sẽ tăng cường chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi heo nói riêng. Trên cơ sở phân tích dữ liệu tổng hợp có thể đưa ra nhận định, đánh giá sát thực tế và cảnh báo/dự báo năng lực sản xuất và cung cầu thị trường chăn nuôi giúp điều tiết sản xuất của các doanh nghiệp và người chăn nuôi; xây dựng sàn giao dịch nông sản thực phẩm.
Về phía Cục Chăn nuôi cho hay, để hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với sản phẩm chăn nuôi nói chung và sản phẩm thịt heo nói riêng, Cục sẽ tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi trong bối cảnh giá vật tư đầu vào ở mức cao và đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với Viện Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu nâng cao hiệu quả nghiên cứu về giống, nguyên liệu thay thế, phụ phẩm thức ăn chăn nuôi, chế biến, bảo quản nâng cao giá trị sử dụng và đa dạng nguồn nguyên liệu thức ăn cho hoạt động chăn nuôi.
Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công thương khẩn trương đàm phán với các đối tác mà Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (Hoa Kỳ, Argentina, Brazil, Ấn Độ…) có chính sách ưu đãi về giá, ưu tiên đáp ứng đủ số lượng và đảm bảo chất lượng nguyên liệu thức ăn cho hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.
Theo Nguyễn Hạnh/Báo Công thương
https://congthuong.vn/xuat-khau-thit-heo-6-thang-dau-nam-2022-tang-truong-3-con-so-217390.html