Để tự chủ xăng dầu, trả lời trước Quốc hội, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết một trong những giải pháp quan trọng là “khẩn trương triển khai xây dựng một nhà máy lọc dầu thứ 3”. Giải pháp này thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia.
Câu hỏi về thời gian và nguồn dầu
Cụ thể Phó thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá, nguyên do thị trường xăng dầu trong nước khan hiếm nguồn cung như thời gian vừa qua là do chúng ta chưa chủ động được nguồn cung trong nước. Hiện nay, chúng ta mới có 2 nhà máy lọc dầu gồm Dung Quất hoạt động từ 2009, công suất 6,5 triệu tấn/năm, mỗi năm cung cấp gần 7 triệu tấn, chiếm khoảng 35% thị phần và Nhà máy Nghi Sơn, đưa vào năm 2018, công suất 10 triệu tấn, nhưng mỗi năm cung cấp khoảng 6,5 - 7 triệu tấn.
Cần xem xét xem xu hướng thế giới có đầu tư vào lọc dầu nữa không. Hiện có nhiều quốc gia quan điểm không đầu tư vào trung nguồn là nhà máy lọc dầu, có thể họ tính toán nhập về rẻ hơn đầu tư cả nhà máy lớn hoặc trên thế giới, số lượng nhà máy lọc dầu đã dư thừa hay chưa, nếu đổ tiền đầu tư vào có hiệu quả kinh tế không
TS Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Như vậy, cả hai nhà máy sản xuất khoảng 13 triệu tấn xăng dầu một năm, trong khi đó nhu cầu của cả nước khoảng 20 - 21 triệu tấn nên phải bù phần còn lại bằng nhập khẩu. “Hiện nay Chính phủ cũng đã làm việc trực tiếp với Tập đoàn dầu khí (PVN) là khẩn trương triển khai xây dựng một nhà máy lọc dầu (thứ 3) tại Vũng Tàu và PVN đã triển khai để làm sao trong phạm vi khoảng 10 tháng thì xong thủ tục đầu tư”, Phó thủ tướng cho biết và nhấn mạnh, nếu chúng ta tự sản xuất được 10 triệu tấn xăng dầu nữa thì sẽ chủ động được nguồn cung xăng dầu.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi). ĐÀO NGỌC THẠCH
Từ chối nói về kế hoạch, tiến độ của dự án nhà máy thứ 3 tại Vũng Tàu, song một cán bộ ngành dầu khí dẫn chứng, tính từ khi chính thức khởi công vào tháng 11.2005, Nhà máy lọc dầu Dung Quất mất chưa đầy 4 năm để hoàn thành, cho ra sản phẩm vào tháng 2.2009. “Theo hợp đồng EPC thì 48 tháng. Thế nhưng tính trọn từ khi đi đền bù, giải phóng mặt bằng đến khi vận hành thì mất 12 năm. Nhưng trong đó gần một nửa thời gian là đi tìm nhà đầu tư, tìm vốn”, vị này nhớ lại.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) hiện đang cung ứng khoảng 35% thị phần xăng dầu. LƯU QUANG PHỔ
Một chuyên gia năng lượng nhiều năm gắn bó với ngành dầu khí cho biết, nhà máy thứ 2 - Nghi Sơn cũng mất gần 10 năm, tính từ khi đàm phán với đối tác. “Giả sử như bây giờ làm một nhà máy ở Vũng Tàu, giải phóng khoảng 400 ha đất như Dung Quất, công suất 10 triệu tấn/năm, mà có đủ tiền, thì nhanh cũng phải 7 - 8 năm”, ông tính toán.
Ở một góc nhìn khác, TS Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, băn khoăn chưa tính đến việc chủ trương xây dựng nhà máy là phải trình Quốc hội vì dự án quan trọng quốc gia thì việc có nên xây dựng hay không cần phải bàn bạc kỹ, mà đầu tiên là phải đánh giá thật kỹ xem tính hiệu quả, ưu nhược điểm của hai dự án trước cũng như phân tích để chọn ra “mô hình” của dự án mới.
“Ví dụ, nếu làm thì nguồn dầu ở đâu để lọc. Nhập toàn bộ như Nghi Sơn hay thiết kế dùng dầu trong nước như Dung Quất? Nên nhớ, thời gian xây dựng cũng kéo dài, có khi tới lúc hoàn thành thì lượng dầu thô trong nước đã không còn để khai thác. Khi đó, lại tiếp tục phải nhập dầu thô về để sản xuất mà Nhà máy Dung Quất là một điển hình”, ông Phúc đặt vấn đề và cho biết thêm, thiết kế ban đầu của Dung Quất phù hợp để lọc dầu tại mỏ Bạch Hổ nhưng khi làm xong thì trữ lượng dầu tại Bạch Hổ đã gần cạn. Do đó, chủ đầu tư phải nhập thêm dầu cũng như tiếp tục đầu tư, mở rộng thêm nhà máy để lọc được các loại dầu khác.
Khai thác dầu thô liên tục giảm
Chính Phó thủ tướng Lê Văn Thành trước Quốc hội cũng thừa nhận, hiện nay chúng ta mới đáp ứng được khoảng 50% dầu thô phục vụ cho sản xuất xăng dầu và “vẫn còn một số bất cập trong điều hành về hợp đồng khoan thăm dò”. Vì thế, bản thân nguồn dầu thô cho các nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn vẫn phải nhập khẩu. Khai thác dầu thô của chúng ta cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. “Hiện đã trực tiếp với Tập đoàn dầu khí để điều chỉnh cơ chế, chính sách theo hướng khi chúng ta khoan được dầu thì phục vụ cho sản xuất, chứ không xuất khẩu”, Phó thủ tướng cho biết.
Dù vậy, theo số liệu từ Tập đoàn dầu khí, sản lượng khai thác dầu thô nhiều năm liền sụt giảm. Hoặc nếu có tăng cũng chỉ trong một thời gian ngắn nhất định và không cho thấy dấu hiệu ổn định. Cụ thể, từ 2015 đến 2020 sản lượng chỉ một chiều sụt giảm. Nếu 2015 khai thác 16,9 triệu tấn thì 2016 còn 15,2 triệu tấn. Đến 2019 còn 11 triệu tấn và 2020 lần đầu xuống dưới 10 triệu tấn sau nhiều năm. Đến năm ngoái, sản lượng tăng lên 10,7 triệu tấn.
Trong suốt 3 - 4 năm trở lại đây, không ít lần các lãnh đạo cao cấp nhất của PVN đều kêu than vì việc khai thác khó mà duy trì bởi mấu chốt là việc gia tăng trữ lượng rớt một cách đáng báo động. Ví dụ, năm 2015 gia tăng trữ lượng đạt tới 40,5 triệu tấn quy dầu thì 2018 còn 12 triệu và 2021 là 4,6 triệu tấn.
Mới đây nhất, báo cáo tổng kết năm 2021 của PVN đánh giá, việc gia tăng trữ lượng dầu khí, bù đắp vào sản lượng khai thác hằng năm, đảm bảo sự phát triển bền vững của tập đoàn là thách thức vô cùng lớn. Các khu vực truyền thống có tiềm năng dầu khí đã được thăm dò khá chi tiết (Bể Cửu Long, Nam Côn Sơn), các phát hiện dầu khí phần lớn đều nhỏ, nên đòi hỏi phải mở rộng hoạt động tìm kiếm, thăm dò các khu vực nước sâu, xa bờ. Tiềm năng dầu khí chưa phát hiện còn lại tập trung chủ yếu ở vùng nước sâu, xa bờ, rủi ro cao.
TS Nguyễn Văn Phúc cho rằng, cần một cuộc thăm dò tổng thể xem trữ lượng và chất lượng dầu của VN hiện nay có đủ để đặt ra bài toán xây dựng nhà máy lọc dầu thứ 3 không? Trữ lượng là một chuyện, khai thác được hay không - tính thương mại - lại là câu chuyện khác nữa, chưa nói đến các yếu tố địa chính trị. Từ đó, theo ông Phúc, nói chủ động nguồn nhiên liệu cũng phải phân biệt rõ là không lệ thuộc nước ngoài vào xăng hay dầu thô. Bởi gần như chắc chắn xảy ra trường hợp làm xong nhà máy nhưng lượng dầu trong nước không đủ thì vẫn phải nhập dầu về, lệ thuộc nguồn cung nước ngoài. “Nhập mà để lỗ như Nghi Sơn, bù lỗ mãi thì cũng không được, vừa hao tốn tiền của đất nước, vừa đe dọa an ninh năng lượng quốc gia. Đây là một chính sách lớn, cần tính toán cụ thể, so sánh bài toán kinh tế giữa việc nhập dầu về lọc có lợi hay đầu tư khai thác có lợi…”, ông Phúc lưu ý.
Nhập hay lọc, phải tính kỹ
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thẳng thắn cho rằng không nên xây thêm nhà máy lọc dầu mới. Ông phân tích: Theo tính toán của các nhà quản lý, các nhà máy lọc dầu của VN hiện đã cung cấp 70% nguồn dầu cho cả nước. Xây thêm nhà máy lọc dầu, phải chăng chúng ta muốn cung cấp 100%? Điều này chắc chắn không thể bởi nguồn dầu trong nước chưa chắc còn đủ để tự chủ. Xây thêm loại nhà máy lọc dầu như Nghi Sơn thì càng không nên vì VN đã bỏ rất nhiều tiền của, đất đai, hy vọng cả 1 thập kỷ nhưng thực tế hiện nay cho thấy hiệu quả không cao.
“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, tốn kém xây thêm nhà máy lọc dầu không kỳ vọng giải quyết được vấn đề mà chỉ khiến tình hình tồi tệ thêm. Thà để tiền đó, đất đó xây dựng cơ sở dự trữ xăng dầu, nhập về kho để khi thiếu mang ra dùng còn hợp lý hơn rất nhiều”, ông Ánh nói.
Cũng theo vị này, các cơ quan nhà nước đang loay hoay đi giải từng vấn đề lắt nhắt như chuyện xuất/nhập dầu, thuế bảo vệ môi trường… mà quên mất rằng câu chuyện xăng dầu là cả hệ phương trình gồm rất nhiều biến số. Từ câu chuyện kinh doanh, nhập khẩu, hệ thống phân phối, chuyện giá cơ sở, cho tới dự trữ xăng dầu, tỷ giá hối đoái, hệ thống các khoản thu ngân sách từ xăng dầu… tất cả đều đang có vấn đề cần sắp xếp lại.
“Giống như xoay rubic, giải được 1 mặt thì quá đơn giản nhưng cứ chăm chăm giải mặt này thì sẽ hỏng mặt kia. Phải nhìn từ tổng quát, cùng lúc bày hết giải cả 6 mặt thì mới giải quyết được bài toàn giá xăng dầu ở VN”, TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Ông Phúc lưu ý, chúng ta cũng không nên cực tả hay cực hữu với chính sách nhập dầu hay xuất khẩu dầu hay khai thác dầu thô rồi tự sản xuất. Thay vào đó, VN cần nghiên cứu thêm xu thế thế giới bởi trong ngành dầu khí có chuỗi thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn. “Thượng nguồn là khai thác, trung nguồn là lọc dầu và hạ nguồn là khâu phân phối, bán dầu thành phẩm. Cần xem xét xem xu hướng thế giới có đầu tư vào lọc dầu nữa không. Hiện có nhiều quốc gia quan điểm không đầu tư vào trung nguồn là nhà máy lọc dầu, có thể họ tính toán nhập về rẻ hơn đầu tư cả nhà máy lớn hoặc trên thế giới, số lượng nhà máy lọc dầu đã dư thừa hay chưa, nếu đổ tiền đầu tư vào có hiệu quả kinh tế không”, ông nói và ví dụ, ở Mỹ hiện nay có mỏ dầu nhưng có những chỗ họ cũng không khai thác, nhập dầu thô về lọc.
Song song đó, phải nghiên cứu lại khung pháp luật, chính sách để đầu tư vào dầu khí. Luật Dầu khí hiện nay mới chỉ nói đến đầu tư về thượng nguồn, chưa đề cập đến trung nguồn và hạ nguồn. Trong khi các nước đề cập đầy đủ từ thượng nguồn là thăm dò, khai thác như thế nào, trung nguồn là lọc dầu ra sao rồi đến hạ nguồn phân phối như thế nào, cơ cấu trong nước, nước ngoài…
TS Nguyễn Văn Phúc bình luận: “Phát triển theo hướng nhập dầu hay khai thác liên quan chặt đến khung chính sách pháp luật. Giả sử, VN xây thêm nhà máy lọc dầu thì phải tính toán lại chính sách như thế nào để khuyến khích đầu tư trong nước hay vẫn chia sản phẩm cho đối tác nước ngoài như các hợp đồng hợp tác kinh doanh hiện nay…”.
Theo Chí Hiếu - Hà Mai/Thanh niên
https://thanhnien.vn/tinh-ke-tu-chu-xang-dau-post1439850.html