Trước khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng, giá trong nước đắt hơn thế giới khoảng 10 triệu đồng/lượng. Nhưng sau 5 phiên đấu thầu, giá kim loại quý trong nước đang cao hơn gần 20 triệu đồng một lượng so với vàng thế giới, đồng thời tái diễn tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Đến hôm qua, tình trạng khan hiếm vàng miếng lẫn vàng nhẫn vẫn tiếp diễn.
Giá vàng miếng tại VN liên tục tăng nhanh, bỏ xa thế giới. Nhật Thịnh
"Cháy" vàng miếng lẫn vàng nhẫn
Khi chúng tôi liên hệ cửa hàng PNJ Cách Mạng Tháng 8 (Q.3, TP.HCM), nhân viên cho biết hiện cửa hàng hết vàng miếng SJC và vàng nhẫn 4 số 9. Người này cũng không biết khi nào cửa hàng mới có hàng vì phía trên công ty phân bổ xuống. Tương tự, liên hệ Trung tâm vàng bạc đá quý Doji Gò Vấp (TP.HCM), chúng tôi cũng nhận được câu trả lời như vậy, cửa hàng hết sạch vàng miếng SJC và vàng nhẫn. Nhưng ở đây chấp nhận tiền cọc vàng nhẫn với giá 77,45 triệu đồng/lượng, qua tuần khi nào vàng về sẽ báo khách đến nhận vàng và xuất hóa đơn. Riêng vàng miếng SJC, cửa hàng đã liên hệ Công ty SJC nhưng cũng không có hàng nên không nhận cọc.
Gọi tới Công ty Bảo Tín Minh Châu, nhân viên ở đây thừa nhận toàn hệ thống tại Hà Nội đã hết vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn vàng Rồng Thăng Long. Cửa hàng thông báo dừng bán trưa hôm qua. Còn sáng qua thì bán với khối lượng hạn chế, chỉ 2 lượng vàng nhẫn vàng Rồng Thăng Long/người. Công ty Bảo Tín Minh Châu có 3 cửa hàng tại Hà Nội và những ngày cuối tuần qua các cửa hàng ghi nhận khách đến mua khá đông.
Chị Thanh Hà (Q.7, TP.HCM) bức xúc việc muốn mua 2 lượng vàng miếng mà Công ty SJC chỉ bán cho mỗi người 1 lượng thì phải mất công đến 2 lần mới mua được. Trước đó 1 tháng, chị Hà bán 2 lượng vàng miếng SJC với giá 82 triệu đồng/lượng và mua lại vàng nhẫn giá 76 triệu đồng/lượng. "Xem ra có tiền mua vàng giờ không dễ. Mua 2 lượng mà mất thời gian đi 2 lần", chị Hà than thở.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC bán cho mỗi khách 3 chỉ vàng, còn vàng miếng từ 1 - 3 lượng tùy thời điểm. Được biết Công ty SJC là đơn vị trúng thầu trong 2 phiên đấu thầu vàng vừa qua do NHNN tổ chức. Thế nhưng, toàn bộ 2.000 lượng vàng mà công ty trúng thầu ngày 9.5 đã được tiêu thụ hết ngay sau đó.
Giá vàng tăng cao gần đây. ĐÀO NGỌC THẠCH
Sau đấu thầu, giá vàng miếng tăng thẳng đứng
Từ cuối tháng 3, giá vàng thế giới bắt đầu tăng cao. Kéo theo giá vàng miếng SJC cũng biến động liên tục, tăng nhanh và ngày càng cách xa thế giới. Để tăng cung cho thị trường, NHNN đã tiến hành đấu thầu vàng. Tuy nhiên, sau 5 phiên đấu thầu có thể nhận thấy, càng đấu thầu vàng thì giá vàng càng tăng cao và vàng trong nước ngày càng trở nên đắt đỏ.
Cụ thể, ngày 22.4 khi phiên đấu thầu vàng đầu tiên bị hủy, vàng miếng SJC được mua vào 82 triệu đồng và bán ra 84 triệu đồng, cao hơn thế giới 10,9 triệu đồng thì sau 5 phiên đấu thầu tính đến hôm qua, giá vàng miếng đang neo ở mức khoảng 90 triệu đồng/lượng, cao hơn thế giới gần 20 triệu đồng/lượng. Mức giá này đã giảm khoảng 2,4 triệu đồng so với giá đóng cửa cuối tuần trước là 92,4 triệu đồng/lượng được cho là do áp lực từ việc Chính phủ yêu cầu "thanh tra ngay" thị trường vàng.
Tuy giá giảm nhưng thị trường rơi vào cảnh khan hiếm, không có vàng để bán như trên. Tương tự, ở thời điểm phiên đấu thầu đầu tiên, giá vàng miếng SJC chỉ cao hơn vàng nhẫn khoảng 7,5 triệu đồng/lượng thì đến hiện tại, mức chênh lệch cùng một loại vàng đã được đẩy lên 12,5 triệu đồng/lượng.
Tổng cộng tính từ phiên đấu thầu vàng đầu tiên, vàng miếng SJC tăng 8,4 triệu đồng/lượng lên mức đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng vào ngày 10.5. Mức đắt đỏ của vàng miếng SJC so với vàng thế giới cũng được kéo lên 19,5 triệu đồng/lượng thay vì chỉ 10,5 triệu đồng/lượng trước khi tổ chức đấu thầu. Trong khi cùng quãng thời gian này, vàng thế giới giảm khoảng 60 USD/ounce. Cụ thể, ngày 22.4 vàng thế giới giao dịch là 2.376 USD/ounce và đến ngày 8.5 giá chỉ còn 2.313,9 USD/ounce.
Dẫn số liệu để thấy việc đấu thầu vàng không những không kéo chênh lệch giá trong nước với thế giới xuống mà còn đẩy tăng thêm. Lý do theo các chuyên gia, giá tối thiểu mà NHNN phát ra cho các phiên đấu thầu vàng miếng vừa qua đều cao hơn mức giá mua vào của các đơn vị kinh doanh trên thị trường tại cùng thời điểm từ 1 - 1,5 triệu đồng.
Cứ thế, tốc độ tăng giá của vàng miếng SJC cũng như chênh lệch với thế giới tiếp tục diễn ra như cơn bão. Đến phiên cuối tuần qua, dù SJC giảm giá nhưng mức chênh lệch có lúc lên gần 20 triệu đồng - đây là mức chênh kỷ lục của vàng miếng SJC với quốc tế.
Sửa Nghị định 24, sao chưa làm?
Ngược trở lại thời điểm cuối năm 2023, thị trường vàng quốc tế biến động mạnh kéo vàng trong nước lên 80 triệu đồng/lượng, đắt hơn thế giới 17 - 18 triệu đồng. Các chuyên gia kinh tế chỉ ra nguyên nhân chênh lệch quá cao của vàng miếng trong nước với quốc tế là do Nghị định 24/2012 (NĐ 24) của Chính phủ về quản lý thị trường vàng quy định chỉ có nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Thế nhưng, suốt nhiều năm qua, NHNN hầu như không nhập khẩu nguyên liệu sản xuất vàng, điều này tương ứng nguồn cung trên thị trường bị hạn chế trong khi cầu liên tục gia tăng. Hơn nữa, vàng miếng SJC được chọn là thương hiệu vàng quốc gia và tình trạng "một mình một chợ" khiến chênh lệch giá trong nước với quốc tế ngày càng xa. Trong khi bối cảnh kinh tế VN và thế giới cũng đã khác thời điểm ban hành NĐ 24 nên cần sửa đổi cho phù hợp.
Trước tình trạng này, ngày 27.12.2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 1426 gửi Thống đốc NHNN và một số bộ, ngành chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn thị trường vàng; không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao làm ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 1.
Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng, giá vàng miếng đã giảm mạnh đến 4 - 5 triệu đồng/lượng và chênh lệch với thế giới cũng xuống còn 13 triệu đồng thay vì 18 - 19 triệu đồng. NHNN cũng cho biết trong tháng 1, cơ quan này sẽ trình báo cáo tổng kết
NĐ 24 trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường. Nhưng tháng 1 trôi qua trong không thấy đề xuất sửa đổi gì được công bố.
Sau đó, Thủ tướng liên tiếp có nhiều thông báo nhắc nhở và đưa ra thời hạn cuối để có giải pháp xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao trước ngày 1.4. Thị trường lại tiếp tục chờ đợi và đến lúc này, đã đi hết nửa tháng 5, việc sửa đổi NĐ 24 vẫn chìm trong im lặng dù Thủ tướng liên tục có nhiều văn bản yêu cầu NHNN xem xét, báo cáo và trình giải pháp. Thậm chí, trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội vào ngày 25.4 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nhận định việc thị trường vàng nhảy múa không ai kiểm soát nổi cho thấy quản lý thị trường vàng có vấn đề. Thủ tướng đã ra tối hậu thư phải sửa NĐ 24 về kinh doanh vàng, nhưng tới nay chưa thấy sửa gì hay có biện pháp gì mới.
Mới nhất, cách đây 3 ngày (ngày 10.5), Văn phòng Chính phủ có thông báo của Bí thư T.Ư Đảng - Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ NHNN theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đã triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng. Tuy nhiên, tình hình chưa có nhiều chuyển biến, giá vàng miếng trong nước tiếp tục tăng, tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chưa được khắc phục. Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng của NHNN trong thời gian qua và diễn biến thị trường trong nước, quốc tế. Khắc phục ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh và báo cáo Thủ tướng kết quả trong tháng 5.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, khẳng định: Vấn đề quan trọng lúc này cần sửa đổi NĐ 24 để quản lý thị trường vàng tốt hơn.
"Cần bỏ nhà nước độc quyền sản xuất và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng thay vào đó cho phép một số doanh nghiệp đủ điều kiện có thể nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Thứ hai, bỏ độc quyền thương hiệu vàng SJC, bởi chính vì 2 câu chuyện độc quyền trên đã làm hạn chế nguồn cung thời gian qua, gây mất cân đối cung cầu. Vì độc quyền thương hiệu SJC khiến chênh lệch giữa giá vàng SJC - thương hiệu quốc gia, với các thương hiệu khác cách biệt rất lớn, giá vàng SJC cũng cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới. Trong khi các thương hiệu khác, cùng là vàng chất lượng 24K chỉ cao hơn thế giới 1 - 2 triệu đồng", ông Lực nói.
Những đề xuất của ông Lực, cũng là đề xuất của nhiều chuyên gia và NHNN trong một số cuộc thảo luận liên quan cũng đồng tình. Nhưng thay vì nhanh chóng sửa NĐ 24 như yêu cầu của Chính phủ, NHNN lại quay sang đấu thầu vàng và kết quả thực tế thì thị trường đang rối ren như hiện nay.
Kiến nghị bỏ quy định nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng Hiệp hội Kinh doanh vàng VN mới đây kiến nghị Chính phủ bỏ việc nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, bỏ việc nhà nước công nhận vàng SJC là vàng chuẩn quốc gia. Đây là nguyên do chính làm cho giá vàng SJC cao hơn giá vàng quốc tế kéo dài như hiện nay. Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng xem xét cho một số doanh nghiệp kinh doanh vàng có đủ điều kiện được sản xuất vàng miếng theo thương hiệu của doanh nghiệp đúng quy định của NHNN về sản xuất và kinh doanh vàng miếng. Như vậy, người dân sẽ tự chọn lựa thương hiệu vàng miếng để mua và chắc chắn giá vàng ở thị trường VN sẽ biến động theo giá vàng quốc tế. Đồng thời cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ theo quy định tại NĐ 24. Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng VN dự kiến, nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức không quá 10 tấn tính theo giá hiện hành chỉ khoảng 700 triệu USD. |
Tiếp tục đấu thầu, giá cũng tăng Đấu thầu vàng đã không thành công ngay từ đầu, nếu có tiếp tục thì giá cũng tăng lên vì NHNN khó có thể bán ra giá thấp do đơn vị này cũng phải nhập về bù đắp lại. Thay vì như vậy, NHNN có thể cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng đưa nguồn vàng nguyên liệu có nguồn gốc trên thị trường vào để sản xuất ra vàng miếng. Các đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm về nguồn vàng nguyên liệu. Lúc này, giá vàng trên thị trường có thể sẽ cạnh tranh hơn. TS Lê Đạt Chí (Trưởng khoa Tài chính - Trường đại học kinh tế TP.HCM) |
Sửa đổi Nghị định 24/2022 toàn diện Trong điều kiện hiện nay, ngoài đấu thầu vàng thì cần xem xét chống yếu tố đầu cơ. Giải pháp hiện nay cần kiểm tra các đơn vị kinh doanh F1, F2, F3 xem số lượng vàng bán ra mua vào như thế nào, từ đó xác định cung cầu ra sao. Bên cạnh đó áp dụng hóa đơn như lĩnh vực xăng dầu đã thực hiện, bán cho ai, giá như thế nào thì mới tránh được những bất cập trên thị trường vàng tồn tại từ nhiều năm nay như buôn lậu. Kinh doanh vàng vẫn là ngành nghề có điều kiện. Đối với sửa NĐ 24 về quản lý thị trường vàng, cần sửa đổi toàn diện để có cơ chế quản lý tốt hơn, vai trò nhà nước là người cuối cùng trong xuất nhập khẩu vàng, điều phối thị trường, làm sao có thể quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch thị trường mới là quan trọng. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia kinh tế) |
ĐỒ HỌA: BẢO NGUYỄN
Theo Mai Phương - Thanh Xuân/Thanh niên
https://thanhnien.vn/roi-ren-thi-truong-vang-185240512221555263.htm