Vì sao cá Tầm Trung Quốc không thuần chủng được ồ ạt nhập vào Việt Nam trong khi theo Luật, chỉ 5 loại cá Tầm thuần chủng mới được nhập khẩu? "Khe hở" là việc xác định chủng loại cá Tầm không thuần chủng...
Cá Tầm nhập khẩu trái phép bị lực lượng chức năng thu giữ, tiêu hủy
Xác định chủng loại cá Tầm bằng “mắt thường”
Cá Tầm có tên trong danh sách thuộc phụ lục của Công ước quốc tế về kiểm soát buôn bán các loài hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Đây là loài cần được bảo vệ nên việc xuất - nhập khẩu bắt buộc phải có giấy phép hợp pháp của CITES.
Tuy nhiên, theo thư phản ánh của tập thể các hộ nuôi cá Tầm Lâm Đồng, hiện đang có tình trạng cá Tầm Trung Quốc không đúng chủng loại hợp pháp của Cites đang nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, phá giá thị trường đối với loại hàng hóa này.
Đáng chú ý, việc nhập khẩu này được “hợp thức hóa” bởi văn bản số 1497 ngày 3/12/2021 Viện Nghiên cứu Hải sản - Bộ NN&PTNT.
Cụ thể, theo đơn phản ánh, văn bản số 1479/VHS-NL trả lời Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị được Viện trưởng Nguyễn Khắc Bát ký, xác nhận các mẫu cá Tầm được gửi đi nghiên cứu đều là cá Tầm Xiberi thuần chủng được phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Văn bản này cho biết, đã tiến hành phân loại hình cá bằng trực quan?! Trong khi đó, phương án xác định chính xác phải là kết hợp phân loại hình thái với giải trình tự AND và phương pháp đối chứng hình thái.
Mặt khác, Viện Nghiên cứu Hải sản - Bộ NN&PTNT chỉ có chức năng cơ bản là nghiên cứu hải sản, cá Tầm là thủy sản nước lạnh nên không thuộc đối tượng và nhiệm vụ quyền hạn của đơn vị này.
Đáng chú ý, 1 ngày trước khi Viện Nghiên cứu Hải sản có văn bản số 1479, Hải quan Lạng Sơn cũng có văn bản số 3161 gửi Cites Việt Nam thông báo về các lô cá Tầm nhập khẩu mà Cites yêu cầu kiểm tra.
Theo văn bản này, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Cơ quan khoa học của Cites Việt Nam) cho ra kết quả nhiều mẫu cá không phải là cá Tầm Xiberi thuần chủng (bằng phương pháp giải trình tự ADN). Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Hải sản lại cho ra kết quả toàn bộ cá thể cá Tầm đều thuộc loại cá Tầm Xiberi thuần chủng (bằng phương pháp dựa hình thái).
Thư phản ánh cũng dẫn văn bản số 91/VTS1 của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 gửi Cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị xác định cá Tầm nhập khẩu từ Trung Quốc không phải là cá Tầm Xiberi được phép thương mại ở Việt Nam.
Tiếp tay cho gian lận thương mại?
Đơn khiếu nại của Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng nhìn nhận, lượng lớn cá Tầm sai chủng loại nhập vào trong nước dẫn đến có dấu hiệu gian lận thương mại, và vi phạm Công ước CITES. Việc cho thông quan nhiều lô cá Tầm này khiến giá bán cá Tầm nuôi trong nước rớt thê thảm. Nếu như trước đây, mỗi cân cá Tầm dao động quanh mức 190.000đ, thì hiện nay chỉ còn khoảng 100.000đ.
“Những người nuôi cá Tầm đang phải gánh chịu thiệt hại lớn vì sự cạnh tranh không lành mạnh, giá thấp và chất lượng kém”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Toàn nhận định.
Thêm vào đó, việc cá Tầm không thuần chủng của Trung Quốc tràn vào Việt Nam là đang đánh lừa người tiêu dùng. Tạo ra nguy cơ làm phá sản ngành nuôi cá nước lạnh non trẻ của Việt Nam.
Lực lượng Biên phòng Quảng Ninh bắt giữ cá Tầm Trung Quốc nhập lậu bằng đường biển.
Theo tìm hiểu, tình trạng nhập khẩu cá Tầm Trung Quốc ồ ạt diễn ra từ đầu năm 2021.
Việc cá Tầm có xuất xứ Trung Quốc hiện vẫn ngày đêm được bán tràn lan trên thị trường, chất lượng kém hơn nhưng lại gắn mác cá Tầm Việt Nam, khiến cho người tiêu không biết lựa chọn sản phẩm cũng như đánh giá không chính xác về sản phẩm của Việt Nam.
Hơn nữa, với giá bán ra rẻ hơn nhiều từ loại cá Tầm nhập khẩu không đủ tiêu chuẩn, đã chèn ép sản phẩm cá Tầm Việt Nam, khiến các thành viên của Hiệp Hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng phải đặt câu hỏi: Có hay không việc phá giá thị trường nhằm thẳng vào sản phẩm cá Tầm của Việt Nam?.
Việc cá Tầm giá rẻ, kém chất lượng, không rõ xuất xứ từ Trung Quốc đã trực tiếp đẩy các doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình chăn nuôi cá Tầm trong nước vào hoàn cảnh điêu đứng vì phải bán với giá rẻ không đủ thu hồi vốn, hoặc bị tồn đọng hàng hóa không thể tiêu thụ. Trong khi đó, các doanh nghiệp, hộ gia đình này vẫn phải trả các chi phí nhân công, thức ăn, con giống, chi phí lãi vay ngân hàng…
Trước thực trạng đáng buồn nêu trên, rất nhiều doanh nghiệp cũng như các hộ chăn nuôi đã đứng trên bờ vực phá sản. Nếu điều đó xảy ra sẽ khiến cho một bộ phận không nhỏ người lao động thất nghiệp, đồng thời dẫn đến việc đổ vỡ theo dây chuyền sản xuất, cung ứng, tiêu thụ xoay quanh việc nuôi và kinh doanh cá Tầm của Việt Nam.
Không những thế, về mặt môi trường thì việc cá Tầm có nguồn gốc nhập khẩu từ Trung Quốc, không đúng với chủng loại được phép nhập khẩu nhưng vẫn được đưa vào nội địa tiêu thụ, có nguy cơ trở thành một loài sinh vật có hại cho môi trường tự nhiên tại Việt Nam nếu để thoát ra môi trường tự nhiên.
Cá Tầm có xuất xứ từ Trung Quốc dễ dàng nhập khẩu vào nội địa
Tiếp tục kiến nghị lên Tổng Cục Hải Quan
Mới đây, các hộ nuôi cá Tầm tiếp tục có đơn kiến nghị lên Tổng Cục Hải Quan về việc Nhập khẩu cá Tầm từ Trung Quốc sai chủng loại do CITES cấp.
Đơn của các hộ nuôi cá Tầm cho biết, trong thời gian gần đây cá Tầm có xuất xứ Trung Quốc, được nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam không đúng chủng loài theo Cites Việt Nam cấp. Việc nhập khẩu cá Tầm có xuất xứ từ Trung Quốc đã được ngừng trong một thời gian do được xác định không đúng với Cites, và không thuộc doanh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam. Cụ thể, cá Tầm có xuất xứ từ Trung Quốc nhập về Việt Nam là loại cá Tầm lai tạp, không phải là cá Xiberi thuần chủng – tên khoa học: Acipenser Baerii.
Việc giám định chủng loài cá Tầm bằng phương pháp hình thái của Viện nghiên cứu Hải sản (số 1497/VHS-NL, ngày 03 tháng 12 năm 2021) thiếu độ chính xác khoa học, không đáng tin so với phương pháp giám định gen lại được Hải quan cửa khẩu dùng để thông quan.
Văn bản trên của Viện Nghiên cứu Hải sản là hoàn toàn sai về chuyên môn với các lý do: Chỉ giám định bằng phương pháp hình thái dựa trên tài liệu minh họa hình ảnh của Ban thư ký CITES quốc tế, trong khi đó việc giám định chủng loài có độ chính xác cao là kết hợp giám định hình thái với giải trình tự ADN và phương pháp đối chứng; Không sử dụng đối chứng hình thái mẫu vật cá sống có xuất xứ từ Trung Quốc với cá Xiberi được nhập từ châu Âu theo CITES Việt Nam đang nuôi tại các trại cá Tầm trong nước; Sự khác biệt về hình thái của cá Tầm Xibêri thuần chủng và cá Tầm từ Trung Quốc là rất lớn, rõ ràng và cần phải kiểm chứng tổng hợp bằng phương pháp trực quan, đối chứng và kiểm tra ADN mới có thể xác định được chính xác chủng loài.
Cá tầm thuần chủng da đen, trơn, mịn, nhiều nhớt
Các hộ nuôi cá Tầm kiến nghị: “Trong trường hợp Tổng cục Hải quan cho rằng việc tiếp tục thông quan là cần thiết thì chúng tôi đề nghị Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật – cơ quan khoa học CITES được chỉ định và cơ quan nữa là Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 theo Luật giám định tư pháp để cùng giám định và đối chứng theo phương pháp kết hợp giám định hình thái và AND”.
Cá tầm lai tạp thường nhiều gai, màu da không đồng đều
Nhưng trước khi có những quyết định của cơ quan chức năng, người tiêu dùng hãy là những người thông thái, biết lựa chọn để không mua phải loại cá Tầm nhập khẩu chưa rõ nguồn gốc, không được thực hiện kiểm dịch nên không an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng tới môi trường.
Theo GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/phap-luat/ca-tam-trung-quoc-o-at-vao-viet-nam-co-dau-hieu-gian-lan-thuong-mai--BEbVfyA7g.html