Ngày 13/10 có ý nghĩa lịch sử đặc biệt với cộng đồng doanh nhân, bởi chính vào ngày này năm xưa (13/10/1945) – giữa bao bộn bề của buổi đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho giới Công Thương Việt Nam. Và từ năm 2004, ngày 13/10 được Chính phủ quyết định là Ngày Doanh nhân Việt Nam, thể hiện tình cảm, niềm tin của Đảng, Nhà nước vào vị trí, vai trò và sức mạnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân cả nước.
Sứ mệnh cao cả
Trong bức thư đề ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “… Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Người lại khẳng định: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng…”.
Ảnh: Quốc Tuấn
Sứ mệnh cao cả được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao từ 76 năm trước đến nay vẫn được giới doanh nhân Việt Nam ra sức thực hiện với mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc để sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Nghị quyết 09-NQ/TW (ngày 9/12/2011) của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã khẳng định: “Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân”.
Nét đặc trưng của doanh nhân Việt Nam là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với xã hội, đến nay đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng với trên 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 25.000 hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh. Ước tính cả nước có từ 7 đến 8 triệu doanh nhân.
Tinh thần trong đại dịch
Sau 35 năm đổi mới, nhờ bản lĩnh, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, Việt Nam đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp có trình độ nhảy vọt, từng bước bắt kịp trình độ doanh nghiệp khu vực và thế giới. Giới doanh nhân có thể tự hào vì đã đóng góp vào cơ đồ và vị thế mới của đất nước.
Tuy nhiên, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong tương quan với các nước còn khá nhỏ bé. Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vẫn chiếm đến 95% số doanh nghiệp cả nước. Năng lực cạnh tranh, khả năng sinh lợi, trình độ quản lý, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp còn thấp, tính liên kết chưa cao, một bộ phận doanh nghiệp hạn chế về văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật đang là những cản trở không nhỏ sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Cùng chung bối cảnh với thế giới, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay. Các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có. Trung bình trong 9 tháng của năm 2021, mỗi tháng có đến 10.000 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường, kéo theo công ăn việc làm, sinh kế của hàng vạn lao động.
Đại dịch Covid-19 là một thử thách và cũng là minh chứng mạnh mẽ cho ý chí, tinh thần, sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam quyết tâm chiến thắng đại dịch. Cùng với sự tiên phong của lực lượng tuyến đầu thì các doanh nghiệp, doanh nhân Việt cũng đang xung kích, chiến đấu trên cả hai mặt trận vừa phát triển kinh tế vừa chung tay cùng cả nước chống dịch. Chính lực lượng này, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, lưu thông đảm bảo hàng hóa cho tiêu dùng, sinh hoạt của người dân còn đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch.
Khi Chính phủ xác định và nhấn mạnh quan điểm “phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp” thì cũng là lúc cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam xác định rõ tinh thần “trong nguy có cơ”, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Chính họ, tự khẳng định mình, chung tay cùng Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước đẩy lùi dịch bệnh, tiếp tục nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh một cách an toàn để duy trì và phát triển kinh tế.
Bên cạnh sự cố gắng tự thân đến mức cao nhất của đội ngũ doanh nhân thì rất cần nhấn mạnh những tư duy mới, những cách nhìn nhận mới về cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Đó là việc coi mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế. Và đặc biệt thúc đẩy cải cách thể chế cho phù hợp, cởi bỏ những rào cản với doanh nghiệp, doanh nhân, từ đó giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất.
Theo Quang Lộc/Báo Công Thương
https://congthuong.vn/niem-tin-vao-doanh-nhan-dat-viet-165611.html