Các địa phương khu vực Đông Nam bộ đang dần nới rộng giãn cách, từng bước chuyển sang giai đoạn bình thường mới, vì thế doanh nghiệp (DN) mong các địa phương có sự phối kết hợp trong tiêu chí mở cửa để duy trì, đảm bảo sản xuất an toàn.
Hiện nay, nhiều DN ở Đồng Nai đã áp dụng phương án "3 tại chỗ" một cách linh hoạt để cùng chính quyền địa phương nỗ lực kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất. Đồng Nai cũng rà soát, chọn và cải tạo các văn phòng, nhà xưởng hiện có làm khu cách ly tập trung để thu dung trong trường hợp người lao động đã xét nghiệm nhanh dương tính với Covid-19 và trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm PCR. Hiện nay, trong các khu công nghiệp của tỉnh có hơn 1.000 DN đang hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" và số lao động lưu trú tại các DN hơn 137 ngàn người.
Ông Lê Văn Danh - Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai - cho biết, Đồng Nai đang tiến hành xét nghiệm diện rộng trên toàn tỉnh nhằm bóc tách những ca nhiễm Covid-19 và người tiếp xúc gần ra khỏi cộng đồng để kiểm soát được dịch bệnh theo mục tiêu đề ra. Các DN thực hiện "3 tại chỗ" trên địa bàn tỉnh đa số nằm trong các KCN nên ban quản lý đã có văn bản yêu cầu các DN xét nghiệm 100% cho người lao động đang lưu trú ở công ty.
Doanh nghiệp bảo đảm an toàn trong dịch bệnh để tiếp tục sản xuất
Tại tỉnh Bình Dương, Ban quản lý các KCN đã phối hợp cùng chủ đầu tư tổ chức tiêm vaccine cho công nhân đang tham gia sản xuất tại các DN. Tính đến nay đã có có 131.000 công nhân được tiêm mũi 1, số lượng công nhân được tiêm vaccine đạt 93%. Sau khi được tiêm vaccine đã có 141 DN với 21.678 lao động (trung bình 153 lao động/DN) đăng ký thực hiện mô hình sản xuất mới chủ yếu theo hình thức 3 tại chỗ, 2 địa điểm, 1 cung đường "mở rộng", đạt 37% so với mức lao động ngày thường. Đáng chú ý, Bình Dương đang thực hiện mô hình 3 xanh "Nhà máy xanh, nhà trọ xanh và công nhân xanh" tại khu vực "vùng xanh" gồm: Thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên. Trong đó, đề nghị chủ đầu tư, DN phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào DN. Đồng thời thực hiện việc quản lý chặt chẽ thông tin liên quan đến người lao động, đo thân nhiệt và yêu cầu người lao động phải khai báo y tế bắt buộc hằng ngày khi đến làm việc. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn trong sản xuất.
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, lộ trình mở cửa trở lại dù đã được đưa ra theo 3 kịch bản cụ thể nhưng mới đây chính quyền thành phố thừa nhận, tình hình chống dịch vẫn còn phức tạp nên có thể phải hết tháng 9/2021 mới có thông tin rõ ràng hơn.
Ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất - KCN TP. Hồ Chí Minh (Hepza) - đề xuất, cần thống nhất chủ trương giữa TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, Đồng Nai. Bởi nhiều DN có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh nhưng nhà máy lại đặt ở Bình Dương và Đồng Nai hoặc nhà máy ở giáp ranh với 2 tỉnh trên nên người lao động có thể đang cư trú ở các tỉnh. Do vậy, việc công nhận "cung đường xanh" giữa các địa phương này phải được quy định rõ để không gây khó cho DN.
Bên cạnh đó, bà Lê Bích Loan - Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHPT) - cho rằng, để đảm bảo các tiêu chí xanh nói trên, việc đầu tiên là cần nhanh chóng tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng cho người lao động, đồng thời thành phố phải xây dựng bản đồ nguy cơ dịch với dữ liệu chính xác và cập nhật liên tục.
Việc kiểm soát được dịch bệnh nhanh chóng sẽ giúp các DN khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, kịp thời hoàn thành các đơn hàng của đối tác nước ngoài và chuẩn bị cho mùa sản xuất cuối năm. |
Theo Thanh Thanh/Báo Công Thương
https://congthuong.vn/lien-ket-de-san-xuat-an-toan-164119.html