Động thái này góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của Vietnam Airlines, hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Vietnam Airlines đang bị âm vốn chủ sở hữu (Ảnh minh họa: VNA).
Trước yêu cầu cấp bách phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngày 13/9, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã giải ngân số tiền 6.894,9 tỷ đồng mua cổ phiếu HVN để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ của Vietnam Airlines.
Động thái này được phía SCIC cho biết là đang thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Trước đó, tại phiên họp thường niên năm 2021, đại hội đồng cổ đông Vietnam Airlines cũng đã thông qua phương án phát hành 800 triệu cổ phần HVN cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56,4% với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Số vốn huy động sau đợt phát hành là 8.000 tỷ đồng.
Cổ đông Nhà nước sở hữu 86,19% vốn điều lệ của Vietnam Airlines nên được quyền mua 689,5 triệu cổ phiếu mới.
Việc SCIC đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của Vietnam Airlines, hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo tài chính quý II của Vietnam Airlines, đến thời điểm 30/6, hãng hàng không quốc gia đã chính thức âm vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines tại thời điểm nói trên âm 2.750 tỷ đồng (hồi đầu năm vẫn còn là con số dương, đạt 6.072 tỷ đồng). Lỗ lũy kế tại ngày 30/6 đã lên tới 17.771 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, áp lực thanh khoản của Vietnam Airlines cũng tăng lên đáng kể khi nợ ngắn hạn ngày càng vượt xa giá trị tài sản ngắn hạn (nợ ngắn hạn gấp 5 lần tài sản ngắn hạn).
Cụ thể, tại ngày 30/6, tổng giá trị tài sản ngắn hạn của Vietnam Airlines là 8.199 tỷ đồng còn nợ ngắn hạn đã là 42.826 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines đã tăng hơn 10.000 tỷ đồng chỉ sau 6 tháng.
Trong thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ sớm hoàn tất Đề án tái cơ cấu tổng thể để đảm bảo thích nghi với tình hình mới, vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển bền vững.
Theo Chiến lược phát triển của SCIC giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2035, SCIC xác định tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ có tác động lan tỏa đến nền kinh tế, thực hiện tốt vai trò là "nhà đầu tư của Chính phủ" theo định hướng chiến lược của Đảng và Chính phủ.
Giá cổ phiếu HVN tăng giá mạnh trong những phiên giao dịch gần đây (Ảnh chụp màn hình).
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVN thời gian gần đây tăng giá rất mạnh. Mã này đã tăng 6 phiên liên tục và có 3 phiên gần nhất tăng mạnh. Phiên 13/9, HVN tăng kịch biên độ trên sàn HSX lên 26.800 đồng/cổ phiếu.
Theo Mai Chi/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/co-dong-nha-nuoc-chi-gan-6900-ty-dong-giai-vay-cho-vietnam-airlines-20210914083101473.htm