Bất chấp Covid-19, những "ông lớn" như Toyota, Honda có mức tăng trưởng 200% trong 6 tháng; Tập đoàn Samsung vẫn hoạt động bình thường; các doanh nghiệp FDI muốn tiếp tục làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có các cuộc làm việc và thị sát nhà máy sản xuất của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19.
"Ông lớn" Samsung vẫn hoạt động bình thường
Ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên tại Khu CN Yên Bình, phường Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam - ông Choi Joo Ho - cho biết, tại Việt Nam, Samsung có 6 nhà máy, đang xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển. Samsung đã đầu tư hơn 17,7 tỷ USD vào Việt Nam và hiện có 110.000 cán bộ, nhân viên; kim ngạch xuất khẩu trị giá hơn 56 tỷ USD năm 2020.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (áo xanh) thăm và làm việc tại nhà máy Samsung Thái Nguyên ngày 3/9 (Ảnh: Đoàn Bắc).
Trong đợt bùng phát dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Samsung đã vượt qua những khó khăn. Tại Thái Nguyên, Samsung vẫn vận hành nhà máy bình thường, trong nhà máy không có ca nhiễm nào.
Ông Choi Joo Ho thông tin, trong bối cảnh dịch bệnh nhưng từ tháng 1 tới tháng 7 Samsung vẫn đạt mức tăng trưởng 10% so với cùng kỳ. Nếu nhà máy tại TPHCM trở lại hoạt động bình thường trong thời gian tới thì Samsung có thể vượt mục tiêu xuất khẩu của năm nay.
Dự kiến cuối năm 2022, Samsung sẽ khánh thành trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội, với mong muốn đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam, sẽ có 3.000 kỹ sư người Việt làm việc tại đây.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ không phụ lòng tin của các doanh nghiệp FDI, trong đó có Samsung. Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định nhân dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm của mọi chính sách. Các doanh nghiệp FDI, trong đó có Samsung, là một thành tố của nhân dân. Chiến thắng dịch bệnh có đạt được hay không phụ thuộc vào đóng góp của nhân dân.
Chưa doanh nghiệp châu Âu nào rời Việt Nam
Làm việc với Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), Đại sứ các nước EU, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) và một số tập đoàn, doanh nghiệp của châu Âu tại Việt Nam ngày 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định thành công của các nhà đầu tư nước ngoài là thành công của Việt Nam, mất mát, thiệt thòi của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là mất mát, thiệt thòi của Việt Nam. Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh những gì đã làm được phải làm tốt hơn, khi chưa có giải pháp căn cơ thì chọn giải pháp tốt nhất trong các giải pháp có thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp EU ngày 9/9 (Ảnh: Đoàn Bắc).
Các Đại sứ, doanh nghiệp EU đánh giá cao về các biện pháp của Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong duy trì chuỗi cung ứng, vận chuyển và lưu thông hàng hóa, tổ chức sản xuất, cấp phép lao động nhập cảnh cho các chuyên gia, tiêm vắc xin… Đồng thời, đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn với tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới; khẳng định mong muốn tiếp tục thúc đẩy, phát triển hơn nữa hoạt động đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Tại cuộc họp báo của EuroCham diễn ra cùng ngày, ông Alain Cany - Chủ tịch Eurocham - nêu thông tin rất quan trọng về kết quả khảo sát các doanh nghiệp EU tại Việt Nam: "18% đơn hàng của doanh nghiệp EU tại Việt Nam đã chuyển sang nước khác, 16% đang được cân nhắc, nhưng chưa doanh nghiệp châu Âu nào rời Việt Nam".
Chủ tịch Eurocham cho biết "đây chủ yếu là chuyển các đơn đặt hàng và là quyết định tạm thời của các doanh nghiệp" và nhấn mạnh rằng Việt Nam cần đảm bảo các nhà máy và công ty có thể hoạt động trở lại càng sớm càng tốt, sống chung với virus để duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo vệ sinh kế.
Doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư lâu dài
Đầu tháng 8, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương, đại diện Khu vực Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN - cho biết đa số các doanh nghiệp Mỹ đều tham gia sâu hoặc đứng đầu các chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo các doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng của đại dịch tới hoạt động sản xuất kinh doanh là rất nghiêm trọng, có những doanh nghiệp đã phải cắt giảm mạnh hoặc tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh từ đầu tháng 7, gây những xáo trộn lớn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Chính phủ Việt Nam luôn cầu thị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp nước ngoài, thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch".
Một tháng sau, ngày 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ Đại biện Đại sứ quán Mỹ, một số doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đều đánh giá cao chiến lược, biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm sản xuất, lưu thông an toàn của Chính phủ Việt Nam thời gian qua là đúng hướng, đồng thời nêu một số khó khăn và đề xuất việc duy trì chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa, tổ chức sản xuất, thủ tục hành chính, thuế và phí…
Trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao với các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp Mỹ và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép.
Các doanh nghiệp Mỹ bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy, phát triển hơn nữa hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trên tinh thần đoàn kết, chia sẻ, hiểu biết và cùng có lợi.
Toyota, Honda, Piaggio tăng trưởng mạnh
Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều khu công nghiệp và thu hút đầu tư FDI rất mạnh, tập trung nhà máy, dây chuyền sản xuất lớn của các "đại bàng" ngoại như Toyota, Honda, Piaggio… Thời gian qua, các điểm Covid-19 "tấn công" ở Vĩnh Phúc đều là những địa bàn có khu công nghiệp, nhưng chuỗi sản xuất không bị đứt gãy.
Vĩnh Phúc tập trung nhiều khu công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư FDI lớn như Toyota, Honda, Piaggio... (Ảnh: Khánh Linh).
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết địa phương luôn đặt nhiệm vụ chống dịch trong khu công nghiệp, doanh nghiệp lên hàng đầu. Chính việc bảo vệ được doanh nghiệp, giữ an toàn được cho doanh nghiệp, dù có thể doanh nghiệp phải sản xuất trong điều kiện rất khắc nghiệt và sự quản lý rất chặt của chính quyền nhưng họ vẫn tồn tại, vẫn sản xuất bình thường.
"Khi doanh nghiệp ở các nơi đang gặp khó khăn thì lại chính là cơ hội cho các doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc. Trong 6 tháng đầu năm nay, cơ bản các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp FDI tại Vĩnh Phúc đều tăng trưởng, thậm chí có doanh nghiệp tăng trưởng tới 200%" - ông Thành khẳng định và nhấn mạnh việc bảo vệ doanh nghiệp, ổn định sản xuất, lấy chống dịch an toàn là một điều kiện để Vĩnh Phúc thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư và tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/suc-khoe-cac-ong-lon-fdi-hang-dau-the-gioi-tai-viet-nam-hien-ra-sao-20210912011300256.htm