Trong thư kiến nghị gửi Thủ tướng, đại diện các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) mong muốn được tháo gỡ những khó khăn bằng các chính sách kịp thời.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm gần 98% số doanh nghiệp tại Việt Nam và đang gặp rất nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19 (Ảnh: Đ.V).
Các doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ đang dốc sức chống dịch và nỗ lực duy trì hoạt động kinh tế nhằm đạt mục tiêu kép. Để vượt qua đại dịch, ổn định kinh tế, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ giành thời gian hoạch định cơ chế hỗ trợ khẩn cấp để giúp doanh nghiệp SME vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp tục đóng góp cho ngân sách, duy trì ổn định đời sống cho người lao động.
Doanh nghiệp SME đang chiếm 97,8% số doanh nghiệp của cả nước. Thế nhưng, các doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều thử thách, khó khăn.
Cụ thể, doanh nghiệp đang phải ngừng sản xuất kinh doanh hoặc hạn chế hoạt động nhưng vẫn phải trả tiền mặt bằng, kho bãi, bảo hiểm... Việc sản xuất, kinh doanh trong mùa dịch cũng phát sinh nhiều chi phí như xét nghiệm 3 ngày/lần, tiền ăn ở cho người lao động thực hiện làm việc tại chỗ...
"Chúng tôi tha thiết kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo và định hướng các cơ quan ban ngành trực thuộc, khẩn cấp ban hành quyết sách cứu doanh nghiệp để doanh nghiệp yên tâm đồng hành cùng Chính phủ vượt qua đại dịch" - các doanh nghiệp nêu rõ.
Công tác "3 tại chỗ", xét nghiệm 3 ngày 1 lần... khiến doanh nghiệp phát sinh nhiều chi phí khi sản xuất, kinh doanh mùa dịch (Ảnh: Đ.V).
Theo đó, về chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH), các doanh nghiệp SME kiến nghị được tạm ngừng đóng BHXH ít nhất 6 tháng; không áp dụng phạt đối với các doanh nghiệp không có khả năng đóng BHXH trong thời kỳ dịch bệnh; miễn giảm 100% phí BHXH của doanh nghiệp và người lao động trong thời gian phải ngừng hoạt động và giãn cách xã hội.
Về chính sách thuế và phí, kiến nghị miễn thuế VAT trong năm 2021; giảm 50% thuế VAT trong 2 năm kế tiếp 2022 - 2023; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế TNDN 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch; tất cả các loại chi phí phát sinh trong đại dịch mà doanh nghiệp phải bỏ ra như xét nghiệm, chi phí chống dịch và "3 tại chỗ" được chấp nhận là chi phí hợp lệ (không bị tách ra khi quyết toán thuế).
Về chính sách tài chính - ngân hàng, doanh nghiệp SME kiến nghị hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp tối thiểu 4% từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng sau khi công bố hết dịch; cho phép doanh nghiệp thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, khó khăn, không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài.
Doanh nghiệp đã đề xuất các phương án lên Chính phủ và các Bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn (Ảnh: Đ.V).
"Để giảm bớt gánh nặng cho Chính Phủ, chúng tôi khẩn thiết kêu gọi xây dựng lộ trình từng bước để mở lối đi cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại từng phần, trong bối cảnh người lao động đã bắt đầu được tiêm vắc xin đầy đủ", trích thư kiến nghị.
Theo đó, các doanh nghiệp kiến nghị cho người lao động được phép đến văn phòng, công ty, nhà máy để làm việc khi đã tiêm đủ một mũi vắc xin và thực hiện nghiêm túc 5K. Người lao động và đại diện doanh nghiệp được phép di chuyển đến các tỉnh khác làm việc sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và phải thực hiện nghiêm túc 5K cũng là nội dung kiến nghị.
Cũng theo các doanh nghiệp SME, thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành sẽ tập hợp đủ 5.000 chữ ký điện tử của đại diện các doanh nghiệp trước khi trình lên các cấp.
Theo Đại Việt/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/dn-vua-va-nho-mong-muon-nguoi-lao-dong-tiem-mot-mui-vac-xin-duoc-di-lam-20210830002105122.htm