Hãng thông tấn bán chính thức Fars dẫn phát biểu của Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng châu Âu chỉ còn rất ít thời gian để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Tehran
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại Tehran, Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 17/6, hãng thông tấn bán chính thức Fars dẫn phát biểu của Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng châu Âu chỉ còn rất ít thời gian để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Tehran sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) mà Iran ký với Nhóm P5+1 (5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) năm 2015.
Trong cuộc gặp tân Đại sứ Pháp tại Iran, ông Rouhani nói: “Đó là khoảng thời gian hết sức quan trọng, Pháp vẫn có thể phối hợp với các bên ký kết khác và đóng một vai trò lịch sử để cứu vãn thỏa thuận trong khoảng thời gian rất ngắn này.” Cũng theo ông Rouhani, sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân sẽ không có lợi cho khu vực và thế giới.
Liên quan đến thỏa thuận hạt nhân, ngày 17/6, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hối thúc các cường quốc thế giới ngay lập tức tăng cường trừng phạt Iran nếu Tehran thực hiện kế hoạch vượt qua giới hạn về lượng dự trữ urani làm giàu được quy định trong JCPOA.
Truyền thông Israel dẫn bình luận của ông Netanyahu cho hay: “Nếu Iran thực hiện những hành động đe dọa thì cộng đồng quốc tế sẽ phải ngay lập tức triển khai cơ chế trừng phạt đã được thiết lập từ trước.” Trước đó, cùng ngày, người phát ngôn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi tuyên bố kể từ ngày 27/6, Iran sẽ bỏ qua những hạn chế về dự trữ urani theo JCPOA.
Quan chức này nêu rõ: “Hôm nay (17/6) - giai đoạn chuẩn bị để vượt qua giới hạn dự trữ 300kg urani được làm giàu đã bắt đầu và trong thời gian 10 ngày… chúng tôi sẽ vượt qua giới hạn này.”
Theo JCPOA, Iran sẽ phải hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Động thái này được cho là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện nay giữa Washington và Tehran.
Tháng 5 vừa qua, Tehran tuyên bố sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Đây cũng chính là thời hạn mà Iran yêu cầu các nước còn lại tham gia thỏa thuận gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức phải thực hiện cam kết liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng để phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ và thúc đẩy thương mại. Tuy nhiên, cho đến nay, châu Âu vẫn chưa đưa ra được biện pháp nào để giúp Iran tránh khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ./.
Theo Phương Hoa/TTXVN