BGTV- Cây thuốc phiện (cây Anh túc) là cây trồng bị pháp luật cấm do có chứa chất ma túy, tuy nhiên có nhiều người dân tự ý trồng loại cây này trong vườn nhà mình và đưa ra nhiều lý do phục vụ nhu cầu cá nhân như làm rau ăn, để ngâm rượu khi bị lực lượng chức năng phát hiện xử lý...
Hành vi trồng cây thuốc phiện có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì mức xử phạt được quy định như thế nào? Vấn đề này sẽ được Luật sư Đinh Trọng Khôi - Trưởng VP Luật Prolaf Bắc Giang thông tin tư vấn cụ thể hơn.
Mới đây, Công an huyện Sơn Động đã tạm giữ hình sự với ông Ngô Quang Tăng (SN 1962, trú tại thôn Linh Phú, xã Tuấn Đạo) về việc trồng hơn 2.000 nghìn cây thuốc phiện (cây anh túc) tại vườn nhà với lý do để phục vụ nhu cầu cá nhân. Vậy hành vi trồng cây thuốc phiện này có vi phạm pháp luật không?
LS Đinh Trọng Khôi: Như mọi người được biết, tệ nạn ma túy gây ra những hệ lụy rất lớn đối với xã hội. Khi nghiện ma túy, con người khó có thể dứt ra được, dẫn đến việc đốt tiền vào khói trắng. Con nghiện ma túy khi lên cơn thì lý trí mất kiểm soát, có thể làm bất kỳ điều gì để thỏa mãn cơn nghiện như trộm cắp, cướp của, giết người... Chính vì vậy mà pháp luật quy định cấm đối với mọi hành vi liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hay sử dụng trái phép chất ma túy.
Cụ thể là khoản 1 Điều 5 Luật phòng chống ma túy năm 2021 quy định nghiêm cấm hành vi trồng cây có chứa chất ma túy (bao gồm cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định).
Tùy vào mức độ hành vi mà người trồng cây thuốc phiện nhẹ có thể bị xử lý hành chính, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi trồng cây thuốc phiện bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào? Và bị truy cứu trách nhiệm hình sự ra sao?
LS Đinh Trọng Khôi: Pháp luật Việt Nam có các chế tài hành chính và cả các chế tài hình sự đối với việc trồng cây có chứa các chất ma túy.
Hiện nay ở một số nơi, người dân vẫn trồng cây thuốc phiện như một loại cây thuốc ở trong nhà, do tác dụng giảm đau, cầm máu và trị một số bệnh về đường ruột. Các trường hợp này đa số do hiểu biết pháp luật hạn chế và trồng nhỏ lẻ không nhằm mục đích để sản xuất ma túy. Các trường hợp này thường sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 5 đến 10 triệu đồng, đồng thời sẽ bị tịch thu số tang vật vi phạm. Đối với người nước ngoài còn bị trục xuất về nước. Các bạn có thể tham khảo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này tại Khoản 3 và Khoản 8 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với các trường hợp khác như trồng với số lượng lớn hoặc đã nhận thức rõ về hành vi sai trái mà vẫn còn vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự.
Cụ thể là theo Điều 247 Bộ luật hình sự năm 2015 thì việc trồng các cây có chứa ma túy thuộc các trường hợp sau sẽ bị xử lý hình sự:
+ Trồng từ 500 cây trở lên hoặc
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc
+ Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống nhưng vẫn vi phạm.
Chế tài hình sự là cho các hành vi kể trên là phạt tù tối thiểu 6 tháng và tối đa có thể lên tới 7 năm tù giam. Ngoài ra người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng.
Đối với trường hợp mà phóng viên nêu ở đầu chương trình thì khả năng cao có thể bị truy tố hình sự với mức phạt có thể lên tới 3 năm tù giam, thậm chí nếu có một số tình tiết đặc biệt như phạm tội có tổ chức hoặc tái phạm nguy hiểm thì có thể chịu mức phạt lên tới 7 năm tù.
BGTV