Sản lượng vải của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) năm nay ước tính giảm mạnh so với năm trước nhưng nông dân vẫn vui vì được giá.
Tại con đường chính thuộc thị trấn Chũ (Lục Ngạn, Bắc Giang) những ngày này tấp nập người mua bán vải. Đầu tháng 6 là thời gian chính vụ.
Cảnh ùn tắc xe chở vải kéo dài hàng cây số diễn ra hàng ngày. Vải thiều chính vụ được người dân thu hái vào hai thời điểm là sáng sớm từ 4h mang đi bán buôn và khoảng 14h để đem bán ở chợ lúc sẩm tối cho người thu mua sơ chế chở đi xa.
Một xe chở đầy vải đang trên đường ra chợ.
"Sản lượng vải của Lục Ngạn năm nay ước tính khoảng 75 nghìn tấn - mức trung bình so với mọi năm. So với năm 2018 thì chỉ đạt 60% vì năm ngoái được mùa cao kỷ lục. Giá hiện tại dao động 30-70 nghìn đồng/kg, rất cao so với các năm trước. Tuy nhiên chúng tôi đánh giá, giá cao không phải do sản lượng thấp mà vì chất lượng vải thật sự tốt, cùng với nhu cầu lớn từ người tiêu dùng", ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch huyện Lục Ngạn, cho biết.
"Dự kiến thu hoạch vải thiều đạt doanh thu 3 nghìn tỷ đồng, các ngành phụ trợ như làm đá, thùng xốp...đạt khoảng 1 nghìn tỷ đồng", ông Hoàn cho biết thêm.
Trên đoạn đường qua thị trấn Chũ có nhiều điểm thu mua lẻ chuyên chọn những xe vải đẹp nên cũng thường xảy ra ùn tắc.
"Gia đình nàh tôi có 2 mẫu đất trồng vải, dự kiến năm nay thu khoảng 10 tấn. Nhà đã thu hoạch được nửa vườn với giá đầu mùa nhỉnh hơn so với thời điểm hiện tại", chị Nguyễn Thị Lý (Lục Ngạn, Bắc Giang) cho hay.
Do lượng vải năm nay ít hơn năm ngoái nên giá bán hiện tại của các đại lý cân tại chỗ khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg. Giá vải đang giảm dần khi vào chính vụ.
Giá vải tùy theo độ đẹp. Vải đẹp nhất được thương lái mua trong ngày 5/6 là 40 nghìn đồng/kg. Quả vải đạt chất lượng thu mua nếu vỏ căng, mọng, tươi và chắc.
Sau khi thu mua, nhân công lọc và bỏ đi quả sâu thối, kém chất lượng.
Cảnh sơ chế đóng gói vải xuất khẩu tại một cơ sở ở thị trấn Chũ.
Để giữ quả tươi ngon trên đường vận chuyển tới nơi tiêu thụ, vải được ướp 2 lớp đá lạnh.
Từng thùng xốp chứa đầy vải được đặt sẵn bên đường chờ xe tới bốc hàng chuyển đi Sài Gòn và Trung Quốc.
Còn một số ít tiểu thương thì thu mua cho lên xe tải để mang đi bán lẻ ở các vùng lân cận như Hà Nội, Hưng Yên, Lạng Sơn...
Do lượng xe đổ về huyện Lục Ngạn để thu mua vải cao khiến con đường liên huyện ùn tắc hàng cây số vào các giờ cao điểm.
Theo Toàn Vũ/Dân trí