BGTV- Vải thiều chính vụ tại Lục Ngạn hiện đang được thu hoạch những diện tích đầu tiên. Năm nay giá vải cao khiến người dân phấn khởi bởi theo nhiều người, giá vải cao sẽ “kéo” theo các dịch vụ, nghề “phụ” ăn theo dịp này cũng được dịp “hốt bạc”.
Thời điểm này tại các điểm cân khu vực “trọng điểm” vải thiều như phố Kim (Phượng Sơn), TT Chũ, xã Hồng Giang… đã nườm nượp người mua bán vải thiều. Trung bình mỗi ngày có hàng ngàn lượt người, xe tải chở hàng từ khắp các tỉnh thành nơi đổ về khiến nơi đây trở thành vựa vải lớn nhất miền Bắc. Các điểm cân rải khắp nơi lúc nào cũng hoạt động hết công suất để thu gom cho các thương lái.
Anh Vũ Văn Tuấn (phố Kim, xã Phượng Sơn) người cho thuê địa điểm thu mua vải cho biết, tiền thuê mặt bằng nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng hàng gom được trong ngày của thương lái. Bình quân mỗi ngày, tại một điểm cân rộng khoảng 30m, chỉ riêng tiền thuê mặt bằng đã có thể kiếm được từ 2- 3 triệu đồng. “Nhiều nhà có mặt bằng cửa hàng lớn hầu như đều dẹp gọn lại để cho thuê trong vụ này, mỗi ngày bán tiền thu được bằng mấy tuần bán hàng tạp hóa” – anh Tuấn cho biết.
Vải thiều được giá, cả người bán, người mua và những nghề phụ trợ đi theo đều "trúng lớn"
Một nghề thời vụ cũng rất “hot” thời điểm này là những người “chỉ vải” – những người này thường làm thuê cho các thương lái (cả người Việt và người Trung Quốc), có kinh nghiệm và được tin tưởng để giao cho công việc thu mua. Chị Lương Thị Bích (phố Kim, xã Phượng Sơn), người có kinh nghiệp làm việc này đã 5 năm cho biết: “Làm việc này cần nhanh nhẹn, nắm được thị hiếu của thương lái, tôi chủ yếu nhận làm với chủ người Trung Quốc, họ thích mã đỏ sáng, quả vừa phải, gai lì, cứ gần tới vụ là họ gọi cho mình, có thuận lợi là mình biết tiếng nên được tin tưởng, giá vải từ đầu vụ đến giờ cũng cao, dao động từ 35 – 45.000 đồng/kg nên người bán mà cả chúng tôi cũng rất phấn khởi”.
Tuy nhiên, công việc gì cũng có vất vả riêng, theo chị Bích nhiều lúc nắng nóng, đứng ngoài đường nhiều đến hoa cả mắt, nhưng nếu chịu khó một ngày có thể thu nhập từ 500 nghìn – 1 triệu đồng, mỗi vụ có thể thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng.
Để phục vụ “mùa kiếm tiền” của bà con Lục Ngạn, các cơ sở sản xuất đá cây giúp bảo quản vải trong quá trình vẫn chuyển đã lên tới hàng chục xưởng sản xuất hoạt động hết công suất ngày đêm. Anh Trần Văn Sơn (xã Quý Sơn, Lục Ngạn) chủ một cơ sở sản xuất nước đá cho biết hàng năm mỗi mùa vải, xưởng sản xuất nước đá của gia đình ảnh làm việc hết công suất phục vụ nhu cầu của bà con, trung bình sau khi kết thúc mùa vải, trừ chi phí điện năng tiêu thụ, thuê nhân công ... có thể thu được khoảng 150 - 200 triệu tiền bán đá cây. “Công việc nặng nhọc lại vất vả nên phải thuê từ 10 – 15 lao động, chi phí trung bình từ 800 – 1 triệu đồng bao ăn ở cho họ, đây chủ yếu là những người làm thời vụ từ các tỉnh lân cận, cả Thái Nguyên, Lạng Sơn đều đổ về đây tìm việc, tôi chủ yếu nhận theo mối quen nên vào vụ là sẽ có các tốp thợ, cửu vạn đến làm tại xưởng”.
Một điểm cân vải tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn hoạt động "hết công suất" những ngày này
Cùng với một mùa quả ngọt sôi động, các dịch vụ, ngành nghề “ăn theo” vụ vải thiều tại Lục Ngạn cũng được dịp nở rộ, ước tính vào dịp này có hàng nghìn lao động mùa vụ đến đây làm việc. Để đảm bảo an toàn, an ninh khu vực giúp bà con yên tâm, lực lượng công an trên địa bàn huyện Lục Ngạn tăng cường bố trí cán bộ nắm bắt tình hình, quản lý các đối tượng tạm trú, kiểm tra các địa điểm cho thuê cân vải, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vụ việc gây mất an ninh, trật tự hoặc liên quan đến tệ nạn xã hội nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân thu hoạch, tiêu thụ vải thiều thuận lợi.
Minh Anh