Với những trẻ bị tổn thương về tinh thần, sức khỏe, bố mẹ không có thời gian nhận ra con mình bị tổn thương khiến trẻ cô đơn hơn.
Đây là thông tin được chuyên gia tâm lý đưa ra tại Tọa đàm “An toàn trường học nhìn từ gia đình, nhà trường và xã hội” vừa được tổ chức mới đây.
PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN cho rằng, môi trường học đường vẫn là an toàn hơn các môi trường khác, có sự giám sát của nhiều bên và thực hiện rất nhiều công việc. Tuy nhiên đâu đó vẫn xảy ra những vụ việc bạo lực ở trong nhà trường, xã hội.
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, bạo lực học đường có nguyên nhân xuất phát từ sự gia tăng áp lực cuộc sống hàng ngày, sự mất chức năng của gia đình, đứt gãy trong các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng như các mối quan hệ xã hội có ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ ở tuổi vị thành niên.
Bạo lực học đường ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc gây hoang mang trong xã hội. (Ảnh minh họa, nguồn: KT)
Bên cạnh đó, đối với một số bộ phận học sinh, qua mạng xã hội, môi trường xung quanh, các em tập nhiễm và tin rằng bạo lực là bình thường, có thể chấp nhận được. Đôi khi trong chính gia đình vẫn có những người sử dụng bạo lực với các em, khiến các em nghĩ rằng trong một số trường hợp có thể dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Ngoài ra, môi trường mạng xã hội cũng có rất nhiều hình ảnh, biểu tượng gợi nên yếu tố bạo lực, ngay cả thị trường đồ chơi của trẻ em.
Chuyên gia tâm lý này cho rằng gia đình có tác động quan trọng đến việc trẻ có dùng bạo lực hay không. “Trước 5 tuổi, tất cả thông tin mang thông điệp, tính chất yêu thương, giá trị tôn trọng, hợp tác, các em chỉ tiếp cận được một phần. Thông tin mang tính tiêu cực, có những ứng xử không phù hợp, bạo lực thì các em tiếp cận nhiều hơn gấp 30 lần.
Giai đoạn 12 tuổi, lượng thông tin tiêu cực qua môi trường trực tiếp, môi trường mạng xã hội, tỷ lệ này còn chênh lệch nhiều hơn nữa. Quá trình lớn lên của các em, rất nhiều gia đình không đưa ra quy tắc, luật lệ trong gia đình để quản lý hành vi của con mình, không yêu cầu con phải tham gia vào một số công việc của gia đình, phải tuân thủ một số nguyên tắc của gia đình. Vì vậy khi đến trường, các em vẫn mang theo văn hóa gia đình, nghĩa là không có nguyên tắc.
Thứ hai, bố mẹ không có đủ thời gian để làm mẫu hành vi cho con. Dạy kỹ năng chỉ qua lời nói thì không có hiệu quả mà cần hướng dẫn cho con phải làm thế nào và cung cấp điều kiện để các con trải nghiệm trong thực tế.
Thứ ba, đối với những em có tổn thương về sức khỏe, tinh thần, bố mẹ không có thời gian nhận ra con mình bị tổn thương để hỗ trợ, can thiệp kịp thời. Vì vậy đứa trẻ cô đơn hơn, không có người hướng dẫn về mặt tinh thần là cha mẹ.
Khi có tình huống xảy ra, các con chỉ biết ứng xử bằng những kinh nghiệm mà mình đã quan sát được ở trên mạng xã hội, môi trường xung quanh. Mà đây lại chưa hẳn là những tấm gương, mẫu hành vi tốt nên dẫn đến cách thức ứng xử của các em trên thực tế không phù hợp.
Khi con đến giai đoạn vị thành niên, nhiều bố mẹ nghĩ rằng con đã lớn, sẽ phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nhưng thực chất giai đoạn này con trẻ cần sự định hướng của bố mẹ nhiều nhất. Vấn đề này có trách nhiệm của các bên, tuy nhiên trách nhiệm của gia đình, của bố mẹ vẫn là chính, vì cha mẹ đi suốt cuộc đời với con, nói một cách khác, đây là sự nghiệp của cha mẹ”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Bạo lực học đường không phải hiện tượng mới xuất hiện, nhưng điều đáng nói là những sự việc gần đây xảy ra ngay trước sự chứng kiến và đôi khi là cổ vũ của những học sinh khác.
Chuyên gia Trần Thành Nam cho rằng, hiện nay, bạo lực không còn diễn ra giữa một cá nhân với một cá nhân, mà bạo lực diễn ra giữa một nhóm với một cá nhân. Có thể thấy một sự việc các bạn vây quanh một nạn nhân bị 1 người đánh, nhưng những người xung quanh không làm gì, thậm chí có người còn dùng điện thoại lên để quay hình.
Có nhiều trường hợp cả nhóm học sinh thuộc về “một băng nhóm”, gồm những “băng nhóm” có thể tranh giành lãnh thổ, có những băng nhóm cùng sở thích, có những băng nhóm có bí mật chung như nghiện game hoặc băng nhóm có sở thích lệch lạc. Và để gia nhập được nhóm này thì phải chứng minh được rằng bản thân có một "chuẩn mực" giống người trong nhóm.
Trong nhiều vụ việc bạo hành tập thể, thành viên mới muốn tham gia nhóm phải chứng tỏ “tôi có cùng giá trị với nhóm” bằng cách bắt nạt, dằn mặt một người nào đó có giá trị đi ngược lại nhóm. Ở trong nhóm sẽ có những em cảm thấy việc này không đúng, tuy nhiên những học sinh có lòng tự trọng thấp hoặc những giá trị được hình thành không vững bền thì sẽ chọn cách giữ an toàn cho bản thân.
Hiện nay, những học sinh có chính kiến, dám đứng ra vì cái đúng, không nhiều. Trong giáo dục của nhà trường, gia đình chưa hình thành được cho học sinh những giá trị này một cách mạnh mẽ. Vì vậy ở trong nhóm, vì áp lực của đám đông, sợ bị tẩy chay, sợ chịu hậu quả, nên các bạn lựa chọn cách thức không làm gì.
Để hạn chế, dần tiến tới đẩy lùi bạo lực học đường, về phía Bộ GD-ĐT, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HS-SV cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhà trường, gia đình và xã hội. Chỉ khi nào làm tốt được chức năng và bổn phận của các yếu tố trong 3 trụ cột này thì mới đảm bảo được sự nghiệp giáo dục thành công.
Cũng theo ông Linh, ngành giáo dục đang tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa trong đó chú trọng vấn đề giáo dục pháp luật, ý thức thượng tôn pháp luật trong học sinh, sinh viên. Hoạt động về tư vấn tâm lý và hoạt động công tác xã hội sẽ được chú trọng triển khai trong thời gian tới. Ngành cũng sẽ nghiên cứu để tăng cường vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh cũng như của phụ huynh học sinh trong việc ký cam kết toàn diện với nhà trường để thực hiện công tác giáo dục, quản lý, hỗ trợ nhà trường trong xử lý các tình huống./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN