Hiện tượng livestream (phát trực tiếp lên mạng xã hội) một cách quá đà, 'hồn nhiên' bất kể giờ giấc, mọi lúc, mọi nơi đang tạo nên sự hỗn tạp và dẫn đến hệ lụy khó lường.
Rất nhiều ý kiến đã bày tỏ sự bức xúc với việc nhiều người vào đám tang của nghệ sĩ Anh Vũ để livestream gây nên cảnh ồn ào, mất trật tự... giữa không khí trang nghiêm.
Hiện tượng livestream (phát trực tiếp lên mạng xã hội) một cách quá đà còn diễn ra ở các sân khấu cải lương, các rạp phim khi khán giả "hồn nhiên" phát trực tuyến vở diễn, bộ phim lên mạng xã hội.
Khi bị nhắc nhở, họ vô tư cho rằng hành động đó giúp nhiều người được xem chứ không nghĩ đó là hành động vi phạm bản quyền và gây tổn hại rất lớn cho nhà sản xuất. Và còn rất nhiều những nỗi bức xúc từ chuyện livestream một cách vô ý thức ở khắp nơi.
Kiếm tiền bằng mọi giá
Sau một buổi sáng phát trực tiếp cảnh đám tang nghệ sĩ Anh Vũ lên các kênh YouTube, một nhóm chừng 5-6 YouTuber ngồi nghỉ ngơi phía trước chùa Ấn Quang (Q.10, TP.HCM) vào trưa 10-4 và tranh thủ nhẩm tính lượng view (lượt xem) kênh của mình đã thu hút được trong ngày.
L., sinh viên một trường đại học tại TP.HCM, cho hay chưa bao giờ kênh của mình lại có số lượt người xem tăng vọt như lần phát trực tiếp này.
Dù lập kênh đã mấy tháng nhưng lượt theo dõi và số giờ xem kênh của L. vẫn chưa đủ để có thể chạy quảng cáo, nhận tiền từ YouTube. Do đó, L. nói buộc lòng phải đến địa điểm có đông người theo dõi livestream để có thể đáp ứng đủ tiêu chí là trên 1.000 người theo dõi và 4.000 giờ xem của kênh.
"Kênh của tôi thiếu giờ xem nên phải rướn đeo theo sự kiện, còn những kênh của các YouTuber khác đã kiếm được tiền rồi, họ chỉ việc livestream lên là hốt tiền thôi" - L. nói và cho biết thêm sẽ tạm nghỉ trưa để sạc điện thoại và sẽ tiếp tục phát trực tiếp vào buổi tối!
Hiện nay, bên cạnh phát lên kênh YouTube cá nhân để kiếm tiền, không ít các streamer còn phát lên các fanpage trên mạng xã hội Facebook để tăng lượng tương tác, thu hút quảng cáo.
Trước đó, tại phiên tòa ly hôn của ông chủ Trung Nguyên thu hút sự quan tâm của dư luận, một đội ngũ YouTuber đã cắm chốt tại tòa và lao ngay vào phát trực tiếp lên kênh cá nhân mọi diễn biến dù đó không phải là nhiệm vụ của họ!
Các YouTuber cũng "tạo sự kiện" khi cùng giới thiệu về Cua dì Ba - một phụ nữ bán cua ở TP.HCM, sau đó mỗi ngày có cả chục YouTuber cùng đến ghi hình, livestream cảnh người phụ nữ này bán buôn.
Mỗi lời nói, hành động của người bán hàng rong này đều được đăng tải lên mạng với hàng triệu lượt xem và bình phẩm trái chiều.
Rất đông người chen chúc livestream tại đám tang nghệ sĩ Anh Vũ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đừng biến công cụ hữu ích thành phản cảm
Tính năng livestream được YouTube và Facebook cung cấp đến người dùng Việt Nam vào năm 2016. Tính năng này giúp người dùng mang tất cả những gì đang diễn ra trước mắt mình để chia sẻ với bạn bè, người thân xung quanh.
Người phát sẽ đóng vai trò như một "đài truyền hình" đang tường thuật trực tiếp một sự kiện cho khán giả là những bạn bè, người thân của mình trên mạng xã hội Facebook.
Điều này giúp livestream ngày càng được ứng dụng nhiều từ mọi khía cạnh của cuộc sống như: hội họp trực tuyến, giám sát an ninh từ xa, theo dõi tình hình giao thông, thực hiện các ca phẫu thuật, dạy học từ xa, bán hàng qua mạng, họp báo trực tuyến...
Sự phát triển của công nghệ và các nền tảng mạng xã hội đã thúc đẩy livestream tăng trưởng nhanh một cách bất ngờ.
Livestream góp phần thay đổi cách chúng ta giao tiếp, làm việc, học tập, giải trí và đặc biệt là các hoạt động tiếp thị sản phẩm, dịch vụ... Đây là những thay đổi mang tính tích cực, đồng thời sự bổ trợ của các xu hướng công nghệ mới phát triển sẽ giúp tạo nên những chuẩn mực và hình thức giao tiếp hoàn toàn mới.
Thế nhưng vẫn có nhiều trường hợp biến công cụ hữu ích này vào những hoạt động quá lố, phản cảm như trường hợp tại đám tang nghệ sĩ Anh Vũ.
Quy định về livestream của YouTube, Facebook: Kênh sẽ tắt khi bị cảnh báo Theo quy định của YouTube, việc phát video trực tiếp (livestream) của một kênh có thể bị tắt tự động nếu vi phạm bất kỳ quy định nào của YouTube. Đó là khi kênh phát nhận được cảnh báo vi phạm nguyên tắc cộng đồng của YouTube (gồm các quy định về nội dung gây hại hoặc nguy hiểm, quấy rối và đe dọa trên mạng, kích động bạo lực...). Nếu vi phạm bản quyền và bị yêu cầu gỡ xuống, việc phát trực tiếp của một kênh sẽ bị tắt tự động. Bên cạnh đó, YouTube quy định các sự kiện "bị chặn trên toàn cầu" hoặc "trùng khớp với một chương trình phát sóng trực tiếp có bản quyền khác" thì các kênh cũng không được phép livestream. Facebook cũng có những quy định đối với các nội dung được người dùng livestream, đó chính là tiêu chuẩn cộng đồng. Tiêu chuẩn này cũng đưa ra các quy định cụ thể về sự an toàn, về bạo lực và hành vi phạm tội, về nội dung phản cảm cũng như quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, Facebook lưu ý người xem rằng "nội dung nào đó bạn không thích trên Facebook có thể không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi". Đặc biệt, nên trực tiếp liên hệ với cơ quan thực thi pháp luật tại địa phương nếu thấy bị đe dọa bởi nội dung nào đó nhìn thấy trên Facebook. Quy định là vậy, nhưng hiện nay tình trạng livestream các trường hợp phản cảm, bị nhiều người phản ứng vẫn không hề bị tắt! |
Theo Đức Thiện/Tuổi trẻ