Theo Cục Thú y, có 12 ổ dịch tả lợn Châu Phi trên toàn quốc đã qua 30 ngày, không phát sinh ổ dịch mới. Những dấu hiệu lạc quan cho thấy dịch tả lợn Châu Phi đang từng bước được khống chế hiệu quả.
Người dân rắc vôi bột để phòng chống sự xâm nhiễm của virus dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Xuân Long
Theo báo cáo của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tính đến sáng nay (10.4), cả nước có 12 ổ dịch tả lợn Châu Phi qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới, không có thêm lợn bệnh ngoài số lợn đã bị tiêu hủy ngay sau khi phát hiện có dịch bệnh.
Các địa phương khống chế thành công các ổ dịch là: Xã Đức Hợp (huyện Kim Động, Hưng Yên); xã Hồng Nam (TP.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên); xã Giai Phạm (Yên Mỹ, Hưng Yên; phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội); xã Đại Đồng (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương); xã Quỳnh Minh (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình); xã Vũ Tiến (huyện Vũ Thư, Thái Bình); xã Hợp Thanh, Thanh Lương (Lương Sơn, Hòa Bình); xã Lý Chính (huyện Lý Nhân, Hà Nam); xã Ta Ma (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) và xã Ninh Khang (huyện Hoa Lư, Ninh Bình).
Đặc biệt, là tỉnh đầu tiên khống chế thành công dịch tả lợn Châu Phi, hôm qua (9.4), tỉnh Hòa Bình đã công bố hết dịch.
Nếu không có gì thay đổi, dự kiến ngày 12.4 tỉnh Bắc Kạn cũng sẽ công bố hết dịch tả lợn Châu Phi. Đây là địa phương chỉ có 1 ổ dịch với duy nhất 1 con lợn bị dịch bệnh đã được tiêu hủy.
Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Theo quy định của Luật thú y, sau 30 ngày ổ dịch tại các xã không có dịch phát sinh, địa phương (huyện hoặc tỉnh) sẽ công bố hết dịch.
Khi công bố hết dịch, người dân có thể lưu thông, vận chuyển và tiêu thụ lợn; đồng thời lên phương án tái đàn sau dịch.
Nếu như Hòa Bình và Bắc Kạn công bố hết dịch, cả nước chỉ còn 21 tỉnh bị dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, Bộ NNPTNT khuyến cáo người chăn nuôi không nên chủ quan, chưa vội tái đàn khi công tác tiêu độc khử trùng chưa triệt để.
Hơn nữa, hiện nay dịch tả lợn Châu Phi cũng xuất hiện tại các nước có chung đường biên giới, nên nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi thẩm lậu vào các tỉnh phía Nam là rất cao.
Theo KH.V/Lao động