Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói xưởng sản xuất rượu vang siêu tốc, siêu rẻ mà Lao Động phản ánh không phải trường hợp đơn lẻ, nhưng việc phát hiện, xử lý còn nhiều khó khăn.
Rượu vang siêu tốc, siêu rẻ tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Hoa.
Liên quan đến loạt bài rượu vang siêu tốc, giá siêu rẻ mà Báo Lao Động nêu, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ: "Phóng sự mà Lao Động phản ánh là câu chuyện điển hình để soi chiếu vào đó chúng ta hình dung được bức tranh về vấn đề nóng liên quan đến an toàn thực phẩm dịp lễ, Tết".
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng cho rằng nếu chúng ta cứ tiếp tục thờ ơ trong cách quản lý với những cơ sở sản xuất rượu như vậy thì đừng ngạc nhiên về số lượng những ca ngộ độc rượu lại tăng sau mỗi dịp lễ, Tết mặc dù báo chí đã vào cuộc phản ánh rất quyết liệt.
Video: Video-Ruou-Chinh-Thu.mp4
Bên trong lò sản xuất rượu siêu rẻ, siêu tốc.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Lao Động, chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng cho biết, đơn vị này đã tổ chức 2 cuộc họp trong đó có cuộc họp có sự góp mặt của các Sở: Y tế, Công thương, Tài nguyên - môi trường và Cục Quản lý thị trường Hà Nội để xử lý vụ việc mà báo phản ánh.
"Hiện tại, cơ sở sản xuất rượu đã bị thu hồi giấy phép sản xuất và buộc dừng lưu thông sản phẩm. Việc phòng kinh tế quận Hà Đông cấp phép sai thẩm quyền cho cơ sở này đã được chuyển lên Bộ Công thương để xin ý kiến chỉ đạo, xử lý. Chúng tôi cũng đang chờ kết luận của Bộ Công thương", chủ tịch UBND quận Hà Đông cho hay.
Cùng trao đổi với PV Báo Lao Động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng xưởng sản xuất rượu vang siêu tốc, siêu rẻ mà phóng sự phản ánh chẳng phải trường hợp đơn lẻ nhưng việc phát hiện, xử lý còn nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công thương
"Chúng tôi đã chỉ đạo Tổng Cục quản lý thị trường tăng cường công tác phối hợp nhằm phát hiện, xử lý những trường hợp tương tự như Báo Lao Động nêu", ông Đỗ Thắng Hải nói.
Ông Trần Hữu Linh Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, buôn lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm… luôn là chủ đề nóng, nhất là dịp trước, trong và sau Tết.
"Đó không chỉ là nhiệm vụ riêng của lực lượng quản lý thị trường mà còn có phối hợp của các ngành khác như: Biên phòng, hải quan, thuế, khoa học công nghệ...", ông Linh khẳng định.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), năm 2017 cả nước xảy ra 10 vụ ngộ độc rượu với 115 người phải nhập viện, trong đó 11 người tử vong.
Con số tương tự trong 11 tháng đầu năm 2018 là 91 vụ ngộ độc, hơn 2.700 người phải nhập viện và 15 ca tử vong.
Từ thực tế thống kê, theo dõi tình trạng ngộ độc rượu nhiều năm qua, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - nhận định: "Số vụ ngộ độc rượu thường tăng cao dịp cuối năm, Tết Nguyên Đán và những ngày lễ hội mừng xuân. Ngoài tình trạng ngộ độc thường gặp ở 2 loại rượu ethanol và methenol thì ngộ độc rượu ngâm các loại cây (không rõ loại) có chứa độc tố tự nhiên đang gây ra những nguy hiểm khôn lường cho người dùng".
Theo Lao động Online