Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm và giáp tết là nhiều tuyến đường Sài Gòn được cào lên để tráng một lớp nhựa mới, nhiều vỉa hè được lật lên để lát gạch khác. Nhiều người thắc mắc, việc đào đường này dựa trên cơ sở nào, tại sao không làm trong thời gian khác trong năm mà chỉ tập trung vào cuối năm?
LĐO | 25/12/2018 | 13:00
Đường Hoàng Diệu, quận 4 đang được cào mặt đường lên để trán thêm một lớp nhựa mới.
Công nhân đang thi công vỉa hè.
Điệp khúc đào đường cuối năm
Cuối năm, nhiều công trình tráng mặt đường, đào đường, làm vỉa hè diễn ra hầu hết tại các quận, huyện ở TPHCM đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Tại đường Hoàng Diệu, quận 4 được trải nhựa mới toàn tuyến, nhiều người dân địa phương khó hiểu khi mặt đường vẫn còn tốt nhưng vẫn được tráng thêm một lớp nhựa mới.
Anh Phạm Ngọc Sơn, trú đường Tôn Đản, quận 4 chia sẻ với PV Báo Lao Động, mỗi dịp cuối năm đi ra đường là anh bắt gặp cảnh đào đường, làm vỉa hè, làm đường khắp nơi.
“Tôi không hiểu sao lại có hiện tượng này, tại sao họ không làm các thời điểm khác trong năm mà làm dịp cuối năm khi nhu cầu đi lại và buôn bán của người dân tăng cao. Điều tôi ngạc nhiên hơn là nhiều con đường, vỉa hè vẫn còn đang tốt nhưng vẫn bị cào lên để tráng nhựa mới và lát lại gạch mới”- anh Sơn thắc mắc.
Tương tự đường Phạm Thế Hiển (quận 8), Minh Phụng (quận 6), Nguyễn Đình Chiểu ( quận 3)... đang được dựng lô cốt để đào đường và chỉnh trang vỉa hè. Hiện có hơn 120 lô cốt nằm trên 50 tuyến đường thuộc các quận, huyện để phục vụ thi công cho các công trình sữa chữa lòng đường cuối năm.
Cuối năm “phòng trào” đào đường, cải tạo mặt đượng và vỉa hè xuất hiện trên nhiều con phố Sài Gòn.
Đào đường cuối năm vì được rót vốn
Vấn đề điệp khúc đào đường cuối năm được ông Ngô Hải Đường – Đại diện Sở Giao thông Vận tải TPHCM lý giải: Các công trình trước khi thực hiện thì phải lên kế hoạch ngay từ đầu năm. Trên cơ sở kế hoạch đề ra sẽ lên phương án thiết kế, phê duyệt dự án và ghi vốn theo quy định.
Theo ông Đường, thông thường một dự án phải mất khoảng 9 tháng trở lên mới được duyệt vốn, giải ngân để thực hiện. Vì vậy, dù kế hoạch lên từ đầu năm nhưng phải chờ đến cuối năm từ tháng 9 trở đi có vốn mới tiến hành thi công được.
Sở GTVT chỉ xem xét cấp phép đào đường khi các chủ đầu tư có kế hoạch thi công chi tiết, đồng bộ. Trong năm 2018, có 40 tuyến đường có ít nhất 2 công trình thi công đào đường, nơi nhiều nhất có đến 4 công trình.
Sở GTVT yêu cầu ở các tuyến đường có công trình thi công trùng lắp, chủ đầu tư phải làm việc trực tiếp với các đơn vị liên quan, lên phương án thi công đồng bộ, không đào đường và tái lập nhiều lần.
Từ nay đến cuối năm, Sở GTVT sẽ rà soát tổng thể, những công trường nào đang rào để thi công mà không làm thì yêu cầu tháo dỡ, cái nào thi công chậm thì đôn đốc đẩy nhanh tiến độ để kịp hoàn thành trước Tết Nguyên đán.
Mặt đường được cào lên để thay lớp nhựa mới.
Cần giám sát chặt để tránh việc vẽ dự án đào đường
GS.TS Nguyễn Trọng Hòa – Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, do cơ chế tài chính dẫn đến việc làm đường và vỉa hè rầm rộ cuối năm thì cần phải có giải pháp để thay đổi.
Theo ông Hòa, có thể áp dụng phương án xã hội hóa, vay vốn ngân hàng hoặc ứng trước vốn cho các đơn vị thi công. Việc làm này cần được trải đều ra các thời kỳ trong năm, nhất là dịp hè để tránh ảnh hưởng đến việc đi lại và buôn bán của người dân vào dịp cuối năm.
“Điều quan trọng là phải công khai, minh bạch tất cả dự án cải tạo nền đường, vỉa hè để người dân được rõ. Bên cạnh đó, các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán cũng tăng cường kiểm tra giám sát để tránh việc lợi dụng kẻ hở vẽ ra dự án để giải ngân hết số tiền được phân bố trong năm” - GS.TS Nguyễn Trọng Hòa nói.
Theo Huân Cao/Lao động