Tổng cục Đường bộ cho biết đến nay mới chỉ có 500.000 trên 2,8 triệu xe được dán thẻ vé thu phí không dừng.
Đến 2019, tất cả các trạm BOT trên cả nước phải hoàn thành lắp hệ thống thu phí không dừng. Ảnh:Việt Tường.
Ngày 16/3, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức họp về vấn đề thu phí không dừng tại các trạm BOT. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện khẳng định đây là chủ trương lớn, nâng cao tính minh bạch của thu giá đường bộ, tiết kiệm chi phí và giảm ùn tắc, tai nạn.
Theo kế hoạch, hết năm 2018, tất cả trạm thu giá trên quốc lộ 1, quốc lộ 14 phải lắp xong. Hết 2019, toàn bộ trạm thu trên toàn quốc cả của Bộ và tỉnh quản lý đều phải thu giá tự động.
“Bộ GTVT quyết định trong năm nay, 2,8 triệu ôtô phải được dán thẻ thu phí không dừng. Nhưng đến nay mới khoảng 500.000 ôtô được dán. Như vậy là quá chậm”, ông Huyện nói. Các ôtô chưa dán thẻ thu phí tự động có thể bị phạt.
Chủ đầu tư cản trở thu phí không dừng
Ông Huyện cho biết tới đây, tại các trạm BOT chỉ còn 1 làn thu phí một dừng, còn lại là thu phí tự động. Đến năm 2019, việc thu phí sẽ hoàn toàn tự động. Hiện Tổng cục Đường bộ đang đẩy nhanh việc lắp đặt hệ thống thu phí không dừng tại các trạm BOT.
Tổng cục trưởng cho biết các nước trên thế giới đã áp dụng thu phí không dừng từ rất lâu, Việt Nam không thể lùi thời hạn áp dụng. Thời gian tới, các nhà đầu tư phải trang bị thiết bị công nghệ để hoàn thành lắp đặt trên quốc lộ 1, quốc lộ 14 trước và đẩy nhanh các trạm khác.
“Không phải nhà đầu tư nào cũng muốn thực hiện thu phí không dừng, vẫn có tình trạng cản trở. Đến 31/12/2019, nhà đầu tư BOT không hoàn thành lắp thiết bị thu phí không dừng thì kiên quyết không cho thu phí”, ông Huyện nhấn mạnh.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện thừa nhận nhiều lái xe lo lắng mất tiền khi gửi tiền vào tài khoản để trả phí đường bộ. Họ sợ VETC, đơn vị cung cấp dịch vụ nếu phá sản và đưa ra vấn đề ai sẽ chịu trách nhiệm với số tiền đó.
Mới đây, Tổng cục Đường bộ đã mời Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại làm việc về vấn đề này. Nếu VETC phá sản, ngân hàng sẽ có trách nhiệm trả lại các lái xe.
Lên phương án chống làm giả thẻ vé
Đại diện Vụ Pháp chế (Tổng cục Đường bộ), cho biết khi áp dụng thu phí không dừng, các lái xe phải mở tài khoản. Theo đó, một tài khoản có thể dùng cho nhiều phương tiện. Nhưng một phương tiện chỉ được mở một tài khoản.
Các lái xe, doanh nghiệp có nhiều cách thức nạp tiền vào tài khoản như qua ngân hàng, qua mobile banking… Khi lưu hành trên đường, nếu tiền trong tài khoản không đủ, chiếc xe đó bị ghi nợ và phải trả nợ trong 10 ngày. Nếu không trả sẽ bị từ chối dịch vụ các lần sau.
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Tổng cục Đường bộ), cho rằng thu phí không dừng sẽ loại bỏ tình trạng trả bằng tiền lẻ để cố tình gây ùn tắc, gây rối tại trạm.
Bộ nhớ trong thẻ lưu trữ thông tin là mật khẩu, tên khách hàng, tài khoản, mã thiết bị… Việc dán thẻ thu giá lần đầu là miễn phí, từ lần thứ 2 phí là 120.000 đồng/lần.
Theo ông Toàn, các cơ quan chức năng phải lường trước lái xe lắp thẻ giả để gian lận. Thẻ thu giá phải có mã định danh theo chuẩn quốc tế. Ngoài ra, không loại trừ khả năng xuất hiện biển số giá. Vì thế, trạm BOT phải có camera có ảnh chụp lại xe qua trạm để xác nhận đối chiếu về sau.
Về ý kiến lái xe mua thẻ vé ôtô 4 chỗ dán cho xe tải, ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết loại thẻ vé được thiết kế là tem vỡ.
Thẻ vé được dán ở trên kính trước xe hoặc đèn trước. Khi bóc ra, thẻ vé sẽ vỡ nên không thể dán cho 2 xe được. Chi phí làm lại thẻ do lái xe chịu.
Theo Văn Chương/ Zing