Những vụ xâm hại trẻ em liên tiếp xảy ra, tính chất phức tạp, có một phần nguyên nhân do pháp luật chưa quy định rõ ràng, cụ thể.
Bị đánh đập, tra tấn dã man, giết chết, là những gì mà các em nhỏ kém may mắn đã phải trải qua trong thời gian gần đây.
Đáng ngại thay, kẻ thực hiện những hành vi ấy với các em lại chính là những người thân trong gia đình, bố mẹ, giáo viên.
Từ những vụ việc trên, dư luận đặt ra câu hỏi, hệ thống bảo vệ trẻ em hiện nay hoạt động như thế nào, liệu Luật Trẻ em đã thực sự đi vào cuộc sống?
Trên thực tế, Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước về Quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990.
Từ đó đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc đưa tinh thần, và nội dung của Công ước vào hệ thống pháp luật.
Hệ thống pháp luật về trẻ em của Việt Nam cũng được đánh giá là khá toàn diện.
Trên cả nước có tất cả 15 cơ quan, tổ chức nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều vụ việc trẻ bị xâm hại hết sức thương tâm.
Nhiều vụ xâm hại trẻ em có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)
Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam cho rằng: “Chúng ta có nhiều quy định, nhưng lại thiếu những quy định về cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ chế về cung cấp dịch vụ lại chưa tốt. Luật nói đến hệ thống bảo vệ trẻ em, nhưng những hướng dẫn để xây dựng hệ thống bảo vệ đó, quy định chức năng nhiệm vụ của các tổ chức cá nhân thì lại chưa chi tiết. Văn bản quy phạm pháp luật vẫn nói về nhiệm vụ một cách chung chung. Hay luật quy định những ai phát hiện ra hành vi xâm hại trẻ em có trách nhiệm báo cáo với các cơ quan chức năng, nhưng lại không có quy định, nếu không khai báo sẽ bị xử lý như thế nào”.
Bên cạnh đó, ông Hải cũng cho rằng, khung luật pháp hiện hành vẫn thiếu những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ người cung cấp thông tin; nguồn lực đầu tư cho hệ thống pháp luật chưa thực sự tương xứng, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng “thành tích ai cũng nhận về mình, nhưng nói đến trách nhiệm, ai cũng nghĩ mình chỉ là phụ, chứ không phải chính”.
Theo ông Nguyễn Hữu Hải, để hữu hiệu hóa hệ thống khung pháp luật, hạn chế ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em, Nhà nước cần đầu tư thêm nguồn lực, đặc biệt cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác này.
Phân công rõ ràng, cụ thể chức năng của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ trẻ em.
Còn theo bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em đang diễn ra hết sức phức tạp, Luật Trẻ em hiện nay đã có 1 chương nói về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở giáo dục, gia đình trong việc bảo vệ trẻ em.
Tại điều 53, Luật trẻ em cũng đã quy định rất rõ về chức năng cấp xã trong vấn đề này.
Tuy nhiên, bà Minh cũng nhất trí rằng Luật nên được cụ thể hóa hơn, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ phận trong chính quyền xã về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em thay vì quy trách nhiệm cứng nhắc cho chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.
“Người làm công tác trẻ em tại cấp xã, phường, thôn bản cần phải khảo sát nắm bắt tình hình cụ thể tại địa phương. Đội ngũ này phải nắm được các thông tin như gia đình nào bố mẹ ly hôn, bố hay rượu chè, bố mẹ làm ăn xa… từ đó thanh lọc, khoanh vùng những hộ trẻ dễ bị bạo hành, đưa vào danh sách cảnh báo. Những người làm công tác trẻ em phải có tính chuyên nghiệp cao, được đào tạo kỹ năng bài bản. Khi nhận được thông tin, các cơ quan phải có sự phối hợp liên ngành để can thiệp, giải quyết”, bà Minh nói.
Bà Ngô Thị Minh cũng cho rằng, luật pháp hiện nay đã khá đầy đủ, song việc tổ chức thực hiện, đưa luật vào đời sống vẫn là vấn đề cần quan tâm hiện nay.
Trong công tác này, đội ngũ cộng tác viên giữ một vai trò đặc biệt quan trọng.
Họ có nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện, tố giác các hành vi xâm hại trẻ em, là cánh tay nối dài của toàn án gia đình.
Theo bà Minh, cần có những đầu tư nguồn lực, chính sách hợp lý với những cộng tác viên làm công tác bảo vệ trẻ em tại cơ sở.
Nhìn nhận về hệ thống pháp luật trẻ em hiện hành, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, để ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em đang diễn biến phức tạp, cần thiết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em.
Với khung pháp luật như hiện nay, ông Bốn cho hay nhiều địa phương vẫn chưa làm đến nơi đến chốn.
Ông đơn cử như tổng kết Nghị định 144 của Thủ tướng Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho thấy trong 5 năm qua, Hà Nội không hề xử phạt bất cứ trường hợp nào.
Báo cáo các địa phương khác cũng tương tự, hầu như không có xử lý hành chính, chỉ khi lên đến mức xử lý hình sự với vào cuộc.
Vụ trưởng Vụ pháp chế cho rằng cần có những rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật từ Luật Trẻ em, luật Hình sự, Dân sự để đảm bảo tính đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cũng cần đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của cộng đồng./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN