240
/
172669
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Mỗi ga dừng 5 phút, Hà Nội - TP.HCM đi 7 giờ chứ không thể 5,5 giờ?
duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-moi-ga-dung-5-phut-ha-noi-tp-hcm-di-7-gio-chu-khong-the-5-5-gio
news

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Mỗi ga dừng 5 phút, Hà Nội - TP.HCM đi 7 giờ chứ không thể 5,5 giờ?

Thứ 5, 21/11/2024 | 12:14:59
53 lượt xem

Bộ Giao thông vận tải đã giải trình ý kiến nêu với 23 ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, mỗi ga dừng 5 phút, từ Hà Nội vào TP.HCM mất 7 giờ chứ không thể 5,5 giờ.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Mỗi ga dừng 5 phút, từ Hà Nội vào TP.HCM mất 7h chứ không thể 5,5h? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải đã có giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Tàu chỉ dừng ở 5 ga chính

Theo đó, có ý kiến đại biểu cho rằng với 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, tính mỗi ga dừng 5 phút thì việc di chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM mất hơn 7 giờ, không thể là 5,5 giờ như báo cáo.

Giải trình nội dung này, Bộ Giao thông vận tải cho hay theo tính toán của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trong điều kiện bình thường, đề xuất tổ chức khai thác chủ yếu vận chuyển hành khách như sau:

Tàu chỉ dừng ở 5 ga chính (Ngọc Hồi, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Thủ Thiêm), thời gian hành trình Bắc - Nam khoảng 5,3 giờ. Tàu dừng đan xen ở 23 ga, thời gian hành trình Bắc - Nam khoảng 6,6 giờ.

Thời gian này đã bao gồm thời gian dừng tàu tại mỗi ga khoảng 2 phút tương tự như các nước đang khai thác đường sắt tốc độ cao trên thế giới.

Phương án tổ chức khai thác sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu vận tải tại từng thời điểm, đối tượng phục vụ, bảo đảm khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng, phục vụ quốc phòng an ninh.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng đường sắt chủ yếu vận chuyển hành khách, mà hành khách không thể tập trung từ ở Hà Nội và đi một mạch về TP.HCM, với 1.400km, phải qua 23 ga.

Trong đó có những ga khoảng cách rất gần, đề nghị tính toán kỹ hơn tổng thời gian tối ưu di chuyển để đánh giá chính xác về nhu cầu vận chuyển hành khách trên đường dài.

Về nội dung này, Bộ Giao thông vận tải cho hay nguyên tắc bố trí ga là phải bảo đảm cự ly phù hợp nhằm khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện (bảo đảm khoảng cách tăng, giảm tốc).

Theo tính toán cự ly đủ để đoàn tàu từ khi xuất phát đến khi đạt tốc độ khai thác tối đa 320km/h và giảm tốc độ đến khi dừng là khoảng 16,5km.

Để nâng cao hiệu quả khai thác, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đề xuất cự ly giữa hai ga liền kề khoảng 50-70km, đồng thời tổ chức chạy tàu dừng đan xen ở tất cả các ga nên cự ly dừng tàu giữa hai ga thực tế khoảng 100-140km.

Do đó, đoàn tàu không bị hạn chế tốc độ khai thác làm ảnh hưởng đến thời gian tối ưu và bảo đảm thu hút nhu cầu vận tải.

Trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi bộ sẽ chỉ đạo tư vấn tiếp tục khảo sát, điều tra, dự báo nhu cầu vận tải làm cơ sở tính toán, xác định quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, phương án đầu tư các ga bảo đảm phù hợp, hiệu quả, khả thi.

Sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư

Về ý kiến đề nghị quá trình vận hành cần kết hợp với tư nhân, coi đó là kinh doanh dịch vụ vận tải mới hiệu quả, bộ nêu rõ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đề xuất đầu tư phương tiện để bảo đảm khai thác trong giai đoạn đầu do không thể kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Trong quá trình vận hành khai thác, khi nhu cầu tăng lên bộ sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư thêm phương tiện để khai thác, trả phí thuê hạ tầng cho Nhà nước và đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga.

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng nghị quyết Quốc hội phải ghi rất rõ phải thực hiện được chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và phải làm chủ trong quá trình đầu tư.

Đồng thời đề nghị cùng với việc chuyển giao phải phát triển công nghiệp đường sắt và công nghiệp phụ trợ, làm chủ được công nghệ.

Về nội dung này, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ trong dự án đã nghiên cứu, đưa ra một số chính sách liên quan đến việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao.

Bộ sẽ phối hợp Ủy ban Kinh tế Quốc hội để chỉnh lý dự thảo nghị quyết sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu thảo luận tại hội trường.

Trong đó yêu cầu các nhà thầu, tổng thầu phải cam kết chuyển giao công nghệ cho đối tác Việt Nam để đảm bảo mục tiêu định hướng phát triển công nghiệp đến năm 2045.

Theo đó, làm chủ về công nghiệp xây dựng; lắp ráp trong nước và từng bước nội địa hóa phương tiện đối với đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.

Sản xuất trong nước và từng bước nội địa hóa linh kiện phần cứng, phần mềm về thông tin, tín hiệu và hệ thống cấp điện, làm chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì, sửa chữa đối với đường sắt tốc độ cao.

Theo Thành Chung - Tiến Long/Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-moi-ga-dung-5-phut-ha-noi-tp-hcm-di-7-gio-chu-khong-the-5-5-gio-2024112111155272.htm

  • Từ khóa

Chốt vé tuyến metro số 1 TP.HCM: 40.000 đồng/người/ngày đi không giới hạn

UBND TP.HCM vừa có Quyết định ban hành giá vé dịch vụ vận tải hành khách bằng tàu điện trên tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên (tuyến...
12:28 - 21/11/2024
58 lượt xem

"Tuýt còi" dịch vụ chèo thuyền kayak ở Cát Bà

Hoạt động chèo thuyền kayak ở quần đảo Cát Bà tự phát, chưa đảm bảo điều kiện hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho khách du lịch
10:33 - 21/11/2024
100 lượt xem

Vì sao dự báo không khí lạnh mà cảm nhận lại không thấy lạnh?

Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.
10:27 - 21/11/2024
101 lượt xem

Cảnh báo thủ đoạn mới giả mạo ứng dụng CSKH EVNSPC để lừa đảo

Hiện nay, trên mạng internet đã xuất hiện thủ đoạn mới, tinh vi hơn giả mạo nền tảng tải app của Google Play nhằm lừa khách hàng tải ứng dụng mạo danh app...
15:33 - 20/11/2024
590 lượt xem

Phần mềm ứng dụng Mobile Banking không được ghi nhớ mã khóa bí mật

Nội dung này được đề cập tại Thông tư 50/2024 quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng do Ngân hàng Nhà...
08:19 - 20/11/2024
755 lượt xem