Sau Cai Lậy, hai ngày qua, trạm thu phí BOT Ninh An (QL1 qua Khánh Hòa) tiếp tục bị tài xế phản đối bằng các trả tiền lẻ khiến trạm này phải xả trạm.
Trong mấy ngày vừa qua, nhiều lái xe dùng tiền mệnh giá thấp khi qua trạm thu phí BOT Ninh An, nằm trên Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Đây là cách mà các tài xế phản đối trạm BOT Ninh An vì cho rằng đi chặng ngắn nhưng phải trả cho cả quãng đường dài, phí đường bộ cao, ảnh hưởng đến thu nhập và gia tăng chi phí vận tải.
Tối 1/12, các tài xế tiếp tục trả tiền lẻ khi qua trạm BOT Ninh An (Khánh Hòa) gây ùn tắc giao thông.
Cáh đây 4 tháng, một số lái xe ở thị xã Ninh Hòa đã bất bình trước việc Trạm thu phí BOT Ninh An đặt tại xã Ninh Lộc thu phí hoàn vốn đầu tư Quốc lộ 1A đoạn qua phía bắc tỉnh Khánh Hòa.
Dự án này do Công ty cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Trước phản ứng gay gắt của giới tài xế, từ ngày 1/12, Công ty này đề nghị miễn giảm giá vé cho 170 xe của người dân ở 3 xã gần trạm thu phí.
Trong khi đó, xung quanh trạm này có rất nhiều khu dân cư đông đúc lại không được miễn giảm. Cụ thể như phường Ninh Hiệp, trung tâm của thị xã Ninh Hòa là nơi có nhiều phương tiện qua lại trạm này mà không được miễn giảm.
Rất nhiều người tập trung tại BOT Ninh An
Bức xúc vì đi quãng đường ngắn nhưng phải trả phí cho cả chặng, nhiều lái xe đã trả tiền mệnh giá thấp, kéo dài thời gian qua trạm, gây ùn ứ giao thông trên Quốc lộ 1A. Đỉnh điểm là trưa ngày 4/12, kẹt xe kéo dài khoảng 3 km buộc trạm BOT Ninh An phải xả trạm.
Ông Nguyễn Văn Đài, lái xe ở phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa cho rằng, trạm này thu cao hơn trạm thu phí trước đây đặt ở xã Ninh An: Tiền thu cao quá, thà để trạm cũ đi 22 ngàn còn sống nổi chứ để lên đến 50 ngàn đồng, gấp đôi, gấp ba vậy. Thu lâu dài chứ đâu phải thu phải thu 5-10 năm, giá cao vậy nghỉ cũng được. Biết chừng nào mà nghỉ. Từ Ninh Hòa vô Ninh Lộc tới 7 km mà phải mất tiền, sự bức xúc phải trả tiền lẻ thôi, đi có 7km mất 100 ngàn đi về.
Lái xe Trần Văn Hòa ở phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa cho biết, trước đây, trạm thu phí Ninh An đặt tại xã Ninh An cách trung tâm thị xã Ninh Hòa chừng 10 km. Năm 2016, trạm Ninh An lại dời thêm gần 20 km về phía Nam thuộc địa phận xã Ninh Lộc. Cánh tài xế xầm xì với nhau là chủ đầu tư đã tìm ra cách lấy tiền của các xe chạy trên Quốc lộ 26 từ Tây Nguyên vào các tỉnh phía Nam cũng như số xe từ trung tâm thị xã Ninh Hòa đi vào TP. Nha Trang. Theo lái xe Trần Văn Hòa, trạm thu phí BOT Ninh An đặt nhầm chỗ, cần phải dời về phía xã Ninh An đúng với tên gọi của nó.
Kẹt xe, ùn ứ vì lái xe trả tiền mệnh giá thấp tại BOT Ninh An.
“Đặt ở đó là không hợp lý, do mấy ông đầu tư tham quá, ông đặt ở đó để tận thu. Tên là Ninh An mà đặt ở Ninh Lộc, nếu như đặt để có vốn sửa chữa đường thì quay về lại Ninh An đặt đúng tên Ninh An. Xe từ Đắc Lắc xuống Nha Trang, từ ngoài Ninh Hòa vô Nha Trang cũng nhiều, đặt Ninh Lộc là ăn hết luôn”.
Thị xã Ninh Hòa là vùng trọng điểm trồng mía, sản xuất gạch của cả tỉnh Khánh Hòa. Hằng ngày, một lượng lớn nông sản, hàng hóa từ các tỉnh Tây Nguyên được vận chuyển trên Quốc lộ 26, Quốc lộ 1A xuống các nhà máy chế biến, cảng biển tại tỉnh Khánh Hòa. Hàng ngàn xe chở mía phục vụ nguyên liệu cho 2 nhà máy đường tại tỉnh Khánh Hòa.
Hiện nay, chi phí xăng, dầu đã cao nay lại gánh thêm phí từ các trạm BOT. Hiện trên Quốc lộ 26 cũng đang có dự án nâng cấp, mở rộng với 2 trạm thu phí dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong nay mai. Trạm này nối tiếp trạm kia dày đặc, người dân càng thêm bức xúc.
“Đi qua như thế thì quá gần, cỡ 10 km thôi bức xúc là đúng. Xe mía nó vận chuyển quá nhiều nhưng tiền cước nó rẻ, giá cước thấp, lệ phí thế, cảm thấy cuộc sống không ổn thì lên tiếng thôi. Nông dân chịu hết”, ông Trần Xuân Châu ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa phàn nàn.
Ách tắc ở trạm BOT Ninh An. Ảnh NLD.
Trạm thu phí liên tục bị phản đối nhưng chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa khư khư cho rằng, trạm thu phí BOT Ninh An được đặt đúng vị trí. Về việc mở rộng phạm vi số xã được miễn giảm phí qua trạm, ông Vũ Hải Long, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án BOT Đèo Cả Khánh Hòa, Công ty cổ phần BOT Đèo Cả Khánh Hòa cho biết, phải đợi Bộ Giao thông - Vận tải xem xét, trên cơ sở tính toán phương án tài chính của dự án.
Trong lúc đó, chính quyền địa phương thừa nhận việc bố trí dày đặc các trạm thu phí sẽ gây nên những khó khăn cho người dân địa phương, đặc biệt là những hộ trồng mía, sản xuất nông sản, thực phẩm.
Theo ông Trần Văn Minh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, trước mắt, cần phải tuyên truyền để người dân hiểu đúng về chủ trương xây dựng trạm thu phí theo hình thức BOT; đồng thời chủ đầu tư cũng nên xem xét, điều chỉnh phù hợp với thực tế hiện nay.
“Khánh Hòa lâu nay yên ổn, an toàn xã hội. Bây giờ nhiều vấn đề lắm. Xe cộ này nọ, cuối cùng là người sử dụng phải chịu thôi. Vận chuyển hàng hóa qua trạm thu phí, người tiêu thụ phải chịu, người sản xuất. Lo là lo cho dân, cây mía vẫn là chủ lực, nông sản, thực phẩm của nông dân ấy”, ông Minh cho biết.
Trạm thu phí dày đặc, các trạm thu phí BOT đặt nhầm chỗ, thu phí cao đang trở thành điểm nóng trên cả nước. Thủ tướng Chính phủ đã có những động thái cần thiết trong những ngày gần đây./.
Theo Thái Bình /VOV - Miền Trung