Đoạn tuyến cao tốc Chi Lăng-Cửa khẩu Hữu Nghị khi được chuyển đổi hình thức đầu tư từ vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sang BOT và gộp vào dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn sẽ giúp dự án sớm được khởi công và hoàn thành vào năm 2020 theo đúng kế hoạch.
Tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn nếu thông xe sẽ kết nối với cao tốc Hà Nội-Bắc Giang. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhà đầu tư cho rằng việc này còn giúp đảm bảo được phương án tài chính cho dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn.
Đổi hình thức đầu tư
Trước đó, 43km đoạn cao tốc Chi Lăng-cửa khẩu Hữu Nghị đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quyết định đầu tư ngày 14/6/2016 với tổng mức đầu tư khoảng 8.743 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của ADB do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2019.
Tuy nhiên, do gặp những vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhất là phương án tài chính của dự án do VEC trình Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chưa được thống nhất và thông qua, khiến dự án khó hoàn thành theo kế hoạch, ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thành đồng bộ toàn tuyến cao tốc Hà Nội-cửa khẩu Hữu Nghị vào năm 2020.
Sốt ruột khi dự án cao tốc đoạn Chi Lăng-cửa khẩu Hữu Nghị chưa được khởi công, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản gửi Chính phủ và các bộ, ngành trong đó nhấn mạnh đến việc chậm triển khai sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế địa phương, phương án tài chính của nhà đầu tư.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng, trong hợp đồng dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn hoàn thành vào năm 2019 quy định, ngoài các trạm thu phí kín trên tuyến cao tốc, nhà đầu tư còn sử dụng 2 trạm thu phí hở trên Quốc lộ 1 tại Km24+900 và Km93+160 mới đảm bảo phương án tài chính. Việc đặt 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 hiện hữu là khó khả thi vì sẽ có phản ứng của người dân và xã hội.
“Trong điều kiện không bố trí vốn ngân sách Nhà nước để xử lý việc đã đầu tư tăng cường mặt đường Quốc lộ 1, bù đắp hoàn vốn phần đã đầu tư, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh phương án tài chính dự án theo hướng chỉ thu một trạm trên Quốc lộ 1; điều chỉnh giá vé tăng vào thời điểm thích hợp khi hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn; đồng thời bổ sung đoạn cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng kết nối vào dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn và áp dụng giá thu đồng nhất trên toàn tuyến đường cao tốc đến cửa khẩu Hữu Nghị,” ông Thưởng cho biết.
Để đảm bảo tính khả thi của dự án, kết nối và hoàn thành đồng bộ toàn tuyến cao tốc Bắc Giang-cửa khẩu Hữu Nghị trước năm 2020, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất đề xuất của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn về việc giao nhà đầu tư BOT Bắc Giang-Lạng Sơn nghiên cứu, tính toán phương án chuyển đổi hình thức đầu tư đoạn tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng từ nguồn vay ADB sang đầu tư bằng nguồn vốn BOT đảm bảo hiệu quả cho toàn tuyến cao tốc.
Mặt khác, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đoạn tuyến cao tốc Chi Lăng-Cửa khẩu Hữu Nghị sẽ được bổ sung vào dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn và phải hoàn thành vào năm 2020 để phát huy hiệu quả đầu tư của toàn tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).
Việc giao cho nhà đầu tư BOT Bắc Giang-Lạng Sơn tiếp tục triển khai đoạn tuyến Chi Lăng-cửa khẩu Hữu Nghị được cho là sẽ “giải cứu” được phương án tài chính đoạn cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, giảm thời gian thu phí và áp lực nợ công.
Lý giải rõ hơn, ông Trần Văn Thế, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC - nhà đầu tư dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn) cho biết, khi tiếp nhận dự án, theo kế hoạch, đoạn cao tốc Chi Lăng-cửa khẩu Hữu Nghị sẽ hoàn thành đồng bộ với dự án Bắc Giang-Lạng Sơn vào năm 2019.
Tuy nhiên, ông Thế thừa nhận, đến nay, đoạn tuyến Chi Lăng-cửa khẩu Hữu Nghị vẫn không được thực hiện khiến lưu lượng xe của cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn sụt giảm so với tính toán ban đầu khi đi vào thu phí. Dòng tiền bị mất cân đối, phương án tài chính dự án bị phá vỡ, nhà đầu tư và ngân hàng sẽ không thể thu hồi vốn.
“Nếu xét việc hoàn thành đoạn cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng vào năm 2023 thì phương án tài chính dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn sẽ bị mất cân đối dòng tiền trong 5 năm đầu, giá trị âm khoảng 1.500 tỷ đồng, dẫn đến ngân hàng sẽ dừng giải ngân,” ông Thế khẳng định.
Mới đây, Công ty CP BOT Bắc Giang-Lạng Sơn đã có văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải giải pháp bổ sung đoạn cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng vào dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn.
Ông Trần Phúc Tự, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn khẳng định, các thông số tính toán cho thấy phương án tài chính của dự án khả thi và đạt được nhiều lợi ích.
“Khi thực hiện phương án này, đoạn cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn sẽ không bị phá vỡ phương án tài chính, còn đoạn cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng giảm được hơn 2 năm thời gian thu phí. Hơn nữa, dự án sử dụng nguồn vốn trong nước sẽ không làm tăng nợ công của Chính phủ và lộ trình tăng phí đoạn cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng thấp hơn phương án vay vốn của ADB,” ông Tự đánh giá.
Tuy nhiên, đại diện nhà đầu tư này cũng cho rằng để thực hiện được kế hoạch khởi công năm 2018, hoàn thành năm 2020 đòi hỏi địa phương, các bộ, ngành phải vào cuộc hết sức tích cực.
Theo đó, tỉnh Lạng Sơn hoàn thành bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để nhà thầu khởi công trong tháng 1/2018 (sử dụng kinh phí do nhà đầu tư ứng ra để thực hiện), Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận giải pháp thực hiện kết nối đoạn cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng vào dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn trước ngày 10/12 tới đây.
“Nếu tách riêng đoạn cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng ra thành một dự án, sẽ không thể hoàn được vốn. Do vậy, chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải là bổ sung đoạn tuyến này vào dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn trên cơ sở tính toán lại phương án tài chính đảm bảo hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình,” ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP) cho biết./.
Theo Việt Hùng (Vietnam+)