BGTV- Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, mô hình các quầy hàng nhân ái ủng hộ miễn phí người có hoàn cảnh khó khăn gồm đồ dùng vật dụng, quần áo, sách vở... đã phát huy hiệu quả và tạo hiệu ứng xã hội tích cực.Tuy nhiên, để hiệu quả mô hình thật sự lan tỏa và nhân rộng rất cần đến ý thức, trách nhiệm của toàn thể cộng đồng.
Đều đặn chủ nhật của tuần cuối tháng, gian hàng 0 đồng do UBND, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên Phường Lê Lợi, TP Bắc Giang tổ chức đều nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Đây đồng thời là nơi tiếp nhận ủng hộ quần áo, vật dụng cần thiết của các cá nhân, tập thể dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn và mở cửa hoàn toàn miễn phí, không ít người cảm thấy “ấm lòng” trước những hoạt động thiết thực và nghĩa cử cao đẹp này.
Quầy hàng 0 đồng tại phường Lê Lợi hoạt động hiệu quả thời gian qua
Chị Lê Thị Xuyến (Quế Nham, Tân Yên) làm phụ vữa tại một công trình gần đó cho biết: “Tranh thủ buổi sáng trước khi làm đến tìm cho mình một vài thứ cần thiết, ở đây quần áo, giày dép đủ cả, ủng hộ hoàn toàn miễn phí, mùa rét sắp đến bỏ ra một vài trăm mua cũng là cả vấn đề nên mỗi lần đến đây đều tranh thủ tìm ít đồ cho mình và con cái ở nhà, rất cảm ơn các đơn vị tổ chức hoạt động này đã giúp đỡ người nghèo chúng tôi phần nào”.
Chia sẻ khó khăn với người nghèo từ cộng đồng là ý nghĩa nhân văn của hoạt động này
Những đồ dùng quyên góp được tuy giá trị không cao nhưng giúp đỡ được nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, qua đó phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay san sẻ của cộng đồng, thể hiện tinh thần lá lành đùm lá rách, truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của nhân dân ta. Hiệu quả thiết thực là vậy, tuy nhiên tại một số nơi, những mô hình hoạt động “mở” kiểu này cũng bộc lộ không ít hạn chế.
Chị Lê Thị Loan (Đường Hùng Vương, TP Bắc Giang) ngán ngẩm cho biết: “Tôi rất ủng hộ và hưởng ứng những hoạt động giúp đỡ người nghèo, mình không dùng nữa thì chia sẻ bớt để người thật sự cần họ có thể dùng, nhưng trước có quầy hàng ủng hộ ở gần nhà, mỗi lần tôi tập hợp được quần áo mọi người rồi để tại đấy thì xuất hiện vài người thậm chí còn đi xe máy đến nhặt đồ, bới tung tủ đồ lên thử rồi nhặt hàng túi mang về nhà, trông họ cũng chẳng có vẻ gì khó khăn, những hành động đấy thật sự rất phản cảm”.
Mô hình quầy hàng từ thiện, mở cửa miễn phí là hoạt động nhân văn, tuy nhiên để không mang tính phong trào, ồ ạt xuất hiện rồi dẹp bỏ thì rất cần đến trách nhiệm và ý thức của toàn thể cộng đồng cùng chung sức để chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh. Tại không ít nơi, sau khi mở ra, những tủ hàng không được che chắn được đặt tại vỉa hè, lề đường nhiều phương tiện qua lại, đồ dùng, quần áo đều bám bụi nhem nhuốc, chất đống không gọn gàng đã khiến nhiều càng “e dè” khi tiếp cận.
Mỗi người cần nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng để những mô hình từ thiện có thể phát huy hiệu quả
Bạn Nguyễn Thị P. (Đoàn viên thanh niên phường Xương Giang) là một cộng tác viên thường xuyên với các hoạt động quyên góp ủng hộ người nghèo chia sẻ, khi tổ chức những mô hình hoạt động kiểu này mỗi Đoàn viên thanh niên đều rất trăn trở làm sao để tủ đồ từ thiện có thể hoạt động hiệu quả, tuy nhiên mọi người không phải ai cũng thông cảm và trân trọng “công sức và tâm huyết” cũng những người tổ chức. “Nhiều câu chuyện khóc dở mếu dở cũng thường xuyên xảy ra khi chúng em phụ trách các quầy hàng miễn phí, có người mang quần đến ủng hộ thì họ không phân loại, cho hết vào bao tải nhăn nhúm rồi mang đến để phịch xuống cạnh tủ đồ rồi phóng xe đi, có người thì đi hẳn xe tay ga xịn đến nhặt đồ, khi chúng em có ý nhắc nhở thì họ tỏ thái độ rất khó chịu... những lúc như vậy thấy vừa buồn vừa chạnh lòng” – P tâm sự.
Mở ra các quầy hàng “miễn phí” là hoạt động nhiều nơi tổ chức, tuy nhiên có thể tồn tại lâu dài còn phụ thuộc nhiều vào cộng đồng xung quanh, của cả những người ủng hộ và những người đến lấy đồ, mỗi người chỉ cần nêu cao trách nhiệm, nghĩ đến mọi người xung quanh mình để ý nghĩa của mô hình này thật sự trọn vẹn và ngày càng lan tỏa rộng khắp.
Lê An