“Nếu không thay đổi được trình độ nhận thức của công chức hành chính, việc quản lý hộ khẩu theo phương thức mới vẫn chỉ là câu chuyện “bình mới rượu cũ”
Bày tỏ sự đồng tình cao với việc bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu, một độc giả giấu tên của VOV, chia sẻ câu chuyện của chính bản thân mình. Gia đình ông có nhu cầu mua điện nhưng điện lực yêu cầu phải có sổ tạm trú. Đến công an xã xin cấp, ông nhận được câu trả lời "đang hết sổ" từ vị trưởng công an, trong khi, vị phó công an hứa làm hộ. Sau vài ngày chờ đợi, ông cũng nhận được cuốn sổ tạm trú với "khoản phí cảm ơn" 500.000 đồng cho vị phó công an.
"Quản lý không phải là trói buộc"
Trong suốt khoảng thời gian tồn tại sổ hộ khẩu, hẳn không một gia đình nào chưa từng gặp phiền toái với hộ khẩu, thứ được xem như “di sản” lớn nhất của thời kỳ bao cấp để lại sau hơn 30 năm đổi mới. Một trong những phiền toái điển hình nhất là với những người có nhu cầu nhập hộ khẩu về Hà Nội. Không chỉ độc giả nói trên, mà số đông xã hội chắc chắn sẽ ủng hộ nhiệt tình chủ trương thay thế cách thức quản lý bằng hộ khẩu của Chính phủ.
Đã đến lúc kết thúc "sứ mệnh" của cuốn sổ hộ khẩu để chuyển sang một phương thức quản lý mới hiện đại, hợp với xu hướng của thế giới (Ảnh minh họa)
Đánh giá về ý nghĩa của chủ trương này, trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, ông Dương Trung Quốc (ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng, nó có tác dụng “cởi bỏ” những rào cản ràng buộc gây khó người dân trong việc thực hiện những quyền của mình: quyền được cư trú, quyền đi lại, quyền mưu cầu công việc… Có thể hiểu, việc “bỏ” hộ khẩu chỉ như bỏ đi một bằng chứng vật chất, một phương thức quản lý, còn mục tiêu quản lý là không thay đổi, thậm chí còn phải quản lý chặt chẽ hơn nữa. “Chúng ta không nên nghĩ quản lý theo kiểu ràng buộc, trói buộc người dân, mà quản lý là tạo ra những hành lang an toàn cho sự tự do phát triển”, Đại biểu Dương Trung Quốc nêu rõ.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Công ty luật Intercode) nhìn nhận chủ trương sử dụng phương thức quản lý điện tử thay thế cho phương thức quản lý bằng hộ khẩu là một minh chứng rất cụ thể cho quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân.
Luật sư Thắng cho rằng, phương thức quản lý bằng sổ hộ khẩu chỉ tiện lợi cho quản lý Nhà nước chứ không thuận lợi cho người bị quản lý, người dân. Nó cung cấp thông tin chặt chẽ, chuẩn xác về việc cư trú của người dân, nhưng nó chỉ có thể phát huy tác dụng trong một trạng thái tĩnh, khi người dân ít có sự thay đổi, dịch chuyển; việc quản lý bằng hộ khẩu đảm bảo cho vấn đề an ninh quốc phòng, trật tự an toàn công cộng. Tuy nhiên hiện nay, nhu cầu thay đổi, di chuyển của người dân ngày càng lớn, thay đổi chỗ ở, xuất nhập cảnh nhiều hơn… do vậy cuốn sổ hộ khẩu đã hoàn thành sứ mệnh của nó, đã đến lúc cần phải thay thế bằng một phương pháp quản lý cư dân hiện đại hơn, hợp với xu hướng của thế giới.
Trên thế giới, hiện chỉ còn duy nhất 3 quốc gia gồm Việt Nam, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên đang quản lý cư dân bằng hình thức sổ hộ khẩu còn lại đã quản lý bằng thẻ căn cước công dân, hay mã định danh cá nhân. Trong thẻ căn cước hay thẻ định danh cá nhân này được tích hợp tất cả các thông tin cơ bản của mỗi công dân: thẻ bảo hiểm, giấy phép lái xe, thẻ an sinh xã hội, thẻ quân dịch, thẻ nộp thuế…
Dân mong "bỏ" hộ khẩu để bớt bị "hành"
Một trong những lý do quan trọng nhất khiến người dân mong muốn “bỏ” sổ hộ khẩu là bởi họ mong giảm được càng nhiều thủ tục hành chính cần đến sổ hộ khẩu càng tốt để họ khỏi bị “hành” Tuy nhiên, luật sư Thắng lo ngại, việc “bỏ” hộ khẩu sẽ khó có thể hạn chế được tệ nhũng nhiễu, hành dân bởi việc này phụ thuộc hoàn toàn vào tư duy, nhận thức của công chức hành chính chứ không phải lỗi của cuốn sổ hộ khẩu.
“Nếu không thay đổi được vấn đề tư tưởng, trình độ nhận thức của công chức hành chính thì việc xóa sổ hộ khẩu chỉ giải quyết được một việc duy nhất đó là người dân sẽ không phải cất giữ cẩn thận hộ khẩu và không lo bị mất các giấy tờ cá nhân. Còn lại người dân vẫn có thể bị nhũng nhiễu, cản trở thực hiện quyền của mình tại cơ quan hành chính. Như vậy, việc quản lý bằng phương thức mới vẫn chỉ là câu chuyện “bình mới rượu cũ”, luật sư Thắng phân tích thêm.
Luật sư Thắng cũng cảnh báo, do việc thực hiện dịch vụ công ở các địa phương còn có sự chênh lệch, do vậy khi người dân tiếp cận những dịch vụ công cơ bản (điện, nước, y tế, giáo dục, đăng ký quyền sở hữu tài sản theo pháp luật…), không còn hộ khẩu ràng buộc, sẽ dẫn tới nguy cơ quá tải, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước khi chuyển đổi việc đăng ký mã số định danh cá nhân thay thế sổ hộ khẩu truyền thống phải lường trước để có phương án giải quyết một cách hài hòa và triệt để.
Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty luật Tam Anh) kiến nghị, việc thay thế hộ khẩu giấy, chứng minh thư bằng mã số định danh cá nhân sẽ do công an là cơ quan quản lý Nhà nước nắm giữ thông tin. Vì vậy, cần thiết phải có một cơ chế để thống nhất việc chia sẻ thông tin, giúp cho thông tin được cung cấp tức thời, không có điều kiện ràng buộc, không gây cản trở các hoạt động của xã hội, cũng như các hoạt động của công dân.
Luật sư Chi cho rằng, trường hợp thông tin không được chia sẻ một cách hợp lý và hợp pháp sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Ví như cơ quan công chứng cần các thông tin để thực hiện các giao dịch hàng ngày, nếu không được chia sẻ, toàn hệ thống sẽ bị tê liệt. Bên cạnh đó, cần có hệ thống dự phòng trong trường hợp rủi ro mất hết dữ liệu. Phải có cơ chế rõ ràng khi người dân yêu cầu cung cấp thông tin cho người thân hoặc các vấn đề phục vụ cho quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi tham gia tố tụng tại Tòa án và các quy trình tố tụng khác có liên quan nếu không họ không thể thực hiện quyền và nghĩa vụ theo luật định.
Mặt khác, quá trình quản lý dữ liệu điện tử cần phải lường trước tình huống xấu như mất điện, nghẽn mạng tại trung tâm vì lý do khách quan để không gây cản trở việc truy cập thông tin./.
Theo Hà Thanh/VOV.VN