Chính quyền Hội An đề nghị biên phòng tỉnh Quảng Nam hỗ trợ di dời các hộ dân nằm trong vùng ngập sâu, vùng nguy hiểm.
23h ngày 5/11, trước tình hình mưa lũ căng thẳng, dự báo mức lũ đạt đỉnh như năm 1999, TP Hội An (Quảng Nam) đã ra thông báo kêu gọi người dân, doanh nghiệp du lịch, các địa phương, lực lượng chức năng... chuẩn bị ca nô, tàu cứu hộ để kịp thời đưa dân, du khách đến nơi an toàn trong đêm nay và rạng sáng mai (6/11).
Chính quyền thành phố cũng đã đề nghị Ban chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Nam hỗ trợ phương tiện, chuẩn bị ứng phó để di dời các hộ dân nằm trong vùng ngập sâu, vùng nguy hiểm.
Trong ngày 5/11, nước lũ đã tràn vào phố cổ Hội An. Ảnh: Đức Đồng
Đài truyền thanh cơ sở cũng như các phương tiện thông tin công cộng khác trên địa bàn thành phố được lệnh phát thông báo liên tục để người dân nắm, triển khai di dời.
Trong đêm, một số khu vực ở Hội An như quảng trường, các phường An Hội, Cẩm Nam điện bị cúp để đảm bảo an toàn cho người dân.
Trước đó lúc 19h30, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn TP Tam Kỳ cũng phát đi công điện khẩn yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm việc chủ động ứng phó với tình hình bão số 12 và mưa lũ.
Chủ tịch UBND các xã, phường trên địa bàn có trách nhiệm di dời, sơ tán dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu đến nơi an toàn trước 22h cùng ngày.
Từ ngày 3/11 đến nay, Quảng Nam mưa to, các hồ thủy lợi, thủy điện đầy nước. Đêm qua hồ thủy điện Sông Bung 4 xả về sông Vu Gia với lưu lượng 4.270 m3/s; hồ Sông Tranh 2 xả về sông Thu Bồn 2.198 m3/s; hồ Đăk Mi 4 xả qua tràn 3.349 m3/s. Hệ quả là lũ các sông Thu Bồn, Vu Gia lên nhanh, đến 12h trưa nay đã vượt báo động 3 (mức nguy hiểm nhất) gần nửa mét.
Tại thành phố Hội An, sáng nay nước sông Thu Bồn tràn bờ khiến đường Bạch Đằng ngập trên một mét, đường Nguyễn Thái Học và một số tuyến đường phố cổ ngập vài chục cm. Đến 10h, nước lũ đã chia cắt phố cổ Hội An, người dân phải di chuyển bằng thuyền để sơ tán đồ đạc, người già, trẻ nhỏ. Chính quyền địa phương cấm các hoạt động chèo thuyền chở du khách đi dạo trong khu phố cổ.
"Từ 21h đêm qua, nước bắt đầu dâng lên ở khu vực phố cổ. Nặng nhất là đường Lê Lợi, Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng..., ngập sâu 0,5-1,5 m. Khách du lịch được khách sạn di dời bằng thuyền, chuyển đến các khách sạn vùng cao hơn ở đường Tôn Đức Thắng, Lý Thái tổ, Trần Cao Vân", chị Đinh Thị Xuân Hòa (chủ một khách sạn ở Hội An) cho biết
Sáng 2/11 áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, cơn bão thứ 12 trên biển Đông, tên quốc tế là Damrey. Bão tăng cấp rất nhanh khi tiến sát bờ biển Nam Trung Bộ do kết hợp với không khí lạnh. 6h ngày 4/11, bão đổ bộ Phú Yên - Khánh Hòa, mạnh cấp 12 (135 km/h). 13h, tiến sâu vào nam Tây Nguyên, bão giảm còn cấp 9 (90 km/h) và đến 15h cùng ngày thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi ở biên giới Việt Nam - Campuchia. Trong 9 tiếng hoành hành, bão đã gây gió mạnh, mưa to suốt từ Thừa Thiên Huế tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên. Thống kê sơ bộ 29 người đã chết, 29 người mất tích. |
Theo Đắc Thành/ Vnexpress