BGTV- Yên Dũng là một huyện thuần nông, những năm qua cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) của huyện được đặc biệt quan tâm. Với cách làm sáng tạo, hiệu quả, công tác XKLĐ trên địa bàn huyện đã có nhiều khởi sắc, là một trong 3 địa phương của tỉnh dẫn đầu về số lượng người đi XKLĐ.
Theo lời giới thiệu của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Yên Dũng, chúng tôi về xã Cảnh Thụy, một trong những địa phương có số người đi XKLĐ chiếm tỷ lệ cao của huyện. Từ một xã thuần nông, không có nghề phụ, thu nhập chủ yếu của các hộ gia đình chỉ trông chờ vào hai vụ lúa và một vụ màu, cuộc sống khó khăn. Nhưng giờ đây, khi về xã Cảnh Thụy, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự thay đổi nhanh chóng ở làng quê vốn được coi là nghèo này, đang thay da đổi thịt từng ngày. Những ngôi nhà mái ngói lụp sụp được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng khang trang nối tiếp nhau. Có được thành quả đó là nhờ vào công tác xuất khẩu lao động.
Thu nhập từ XKLĐ giúp nhiều hộ gia đình ở huyện Yên Dũng xây dựng nhà cửa khang trang, rộng rãi.
Chúng tôi đến thăm nhà anh Vũ Văn Quang, sinh năm 1977 ở thôn Thôn Đông xã Cảnh Thụy. Chia sẻ về quãng thời gian khó khăn của mình, anh Quang cho biết: “Hai vợ chồng tôi không có nghề phụ, quanh năm chỉ trông chờ vào vài sào ruộng, do công việc của hai vợ chồng không kiếm được nhiều tiền, tháng nào đủ ăn là mừng lắm rồi còn lại cứ thiếu trước hụt sau. Sau nhiều ngày suy nghĩ trằn trọc, vợ chồng tôi quyết định vay mượn để chạy tiền cho chồng đi lao động xuất khẩu ở thị trường Hàn quốc. Ở đó lương cao hy vọng sẽ giúp vợ chồng tôi có của ăn, của để”.
Còn anh Tạ Văn Việt xã Trí Yên lại khác, sau khi học xong trường Cao đẳng công nghiệp Hà nội, do chưa xin được việc làm, năm 2015 anh được gia đình định hướng cho đi xuất khẩu lao động ở thị trường Nhật Bản. Anh Việt cho biết: “Ban đầu sang đó tôi được nhận vào làm tại một công ty tái chế nhựa, do công việc độc hại, tôi làm tại đó được chừng 1 năm thì xin chuyển sang làm nghề cơ khí. Công việc ở đâu cũng vất vả nhưng bù lại tiền lương ở đây cũng khá cao, trừ các chi phí hàng tháng tôi còn khoảng gần 30 triệu đồng/tháng. Tôi dự định làm thêm vài năm nữa, khi có chút vốn kha khá, thì về quê kinh doanh.”
Trong 9 tháng đầu năm toàn huyện có 552 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (đạt 78,86% so với kế hoạch năm 2017), tham gia chủ yếu tại các thị trường Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Cùng với đó, huyện đã phối hợp với 04 doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động thông báo tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn các xã, thị trấn. Đồng thời, thông báo tới các xã, thị trấn thông tin kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản.
Thời gian tới, Phòng Lao động thương binh xã hội huyện sẽ tích cực, tổ chức tư vấn cho các đối tượng có nhu cầu đi lao động trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho người lao động được trực tiếp tuyển dụng, tránh thông qua môi giới phải chịu chi phí cao, đồng thời thực hiện tốt việc hỗ trợ học nghề cho người lao động, tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách, lợi ích của XKLĐ để người dân nắm bắt.
Nói về những tác động của công tác XKLĐ, ông Phạm Trí Dũng, Phó trưởng phòng LĐTBXH huyện, phụ trách XKLĐ chia sẻ: “Kết quả về công tác XKLĐ ở Yên Dũng đã đạt được khá tốt, năm nào cũng đạt và vượt kế hoạch đề ra. Qua XKLĐ của nhân dân trên địa bàn huyện, kiều hối do người lao động ở nước ngoài chuyển qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho người thân năm 2016 là 3.480 lượt với trên 6.840.000 USD tương đương với trên 143.640.000.000 đồng. Đây là nguồn kiều hối lớn không chỉ có tác dụng tích cực cho địa phương trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà còn giúp huyện Yên Dũng giảm nhanh tỷ lệ nghèo trên địa bàn huyện”.
Có thể thấy thành công trong công tác xuất khẩu lao động ở Yên Dũng đã và đang góp phần tích cực hiệu quả trong công tác giải quyết việc làm, qua đó từng bước góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương./.
Mai Hương