Nhiều vụ hành hung bác sĩ đang gióng lên hồi chuông về các Bộ, ngành phải tăng cường cùng với Bộ Y tế trong việc đảm bảo an ninh bệnh viện.
Bạo lực tại bệnh viện giờ đã không còn là chuyện hiếm gặp. Chỉ hơn một tuần qua đã xảy ra 2 vụ người nhà bệnh nhân hành hung y, bác sỹ tại một trạm y tế ở tỉnh Hà Tĩnh và một bệnh viện công ở tỉnh Quảng Bình.
Gần đây nhất (ngày 28/10), tại TP HCM, nhóm côn đồ đã xông thẳng vào bệnh viện truy sát đối thủ khiến 1 người chết, 3 người trọng thương.
Bệnh viện là một xã hội thu nhỏ.
Chỉ vì can ngăn mâu thuẫn giữa người nhà bệnh nhân và người gây ra tai nạn giao thông mà một bác sỹ vừa tham gia cấp cứu người bị nạn đã bị chính người nhà của bệnh nhân này hành hung, gây chấn thương sọ não, rách giác mạc.
Bà Nguyễn Thị Loan ở thành phố Nam Định đang chăm sóc cháu tại Bệnh viện Nhi trung ương bày tỏ: “Bác sỹ đã cứu chữa cho người thân của mình mà lại đánh người ta thì hành vi đó là sai. Nếu bác sỹ không làm gì sai pháp luật thì không có có gì mà mâu thuẫn với họ. Nếu bác sỹ làm chưa đúng pháp luật thì thiếu gì cách giải quyết, mà phải bạo hành người ta”.
Tình trạng này cũng khiến các đại biểu Quốc hội bức xúc. Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) và đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) nói: “Bạo lực ngoài xã hội hiện nay là nỗi lo của mỗi người dân. Nó lan từ xã hội đến bệnh viện- một nơi trước kia ít xảy ra.
Tôi mong muốn Bộ Y tế và các ban, ngành liên quan vào cuộc quyết liệt, làm cho nhân viên y tế yên tâm công tác”.
Các bệnh viện luôn có lực lượng bảo vệ nhưng bạo lực vẫn có thể xảy ra.
Bức xúc trước các vụ việc nhân viên y tế bị hành hung, từ vụ bác sĩ bị người nhà bệnh nhân đâm chết tại Bệnh viện Vũ Thư (Thái Bình) cách đây 6 năm đến những vụ việc xảy ra gần đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, y, bác sỹ bị bạo hành có xu hướng gia tăng, hàng chục vụ mất an ninh bệnh viện xảy ra trong năm qua, nhưng ngành y tế gần như đang đơn độc trong giải quyết tình trạng này:
“Cán bộ nhân viên y tế, trong lúc thi hành công vụ, phải tập trung trí tuệ để chăm sóc bệnh nhân thì bị đe dọa, hành hung, gọi công an đến thì sự việc đã xong rồi. Lực lượng bảo vệ thì không đủ sức. Do vậy, chúng tôi cảm thấy rất lo lắng. Người thầy thuốc vừa khám bệnh vừa phải để ý nhiều việc, vì bệnh nhân đòi phải khám ngay. Bệnh nhân lấy cả máy điện thoại ra quay, như thế làm sao người thầy thuốc đủ bình tĩnh và sáng suốt làm việc trong môi trường áp lực như vậy. Trong khi đó, chúng tôi thấy, các cơ quan chức năng chưa thực sự vào cuộc. Ngành Y tế gần như đang đơn độc”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân là hàng rào bảo vệ an ninh tốt nhất
Bệnh viện là một môi trường nhạy cảm. Ranh giới giữa chẩn đoán, điều trị đúng với những sai lầm có thể xảy ra trong chuyên môn, cũng như ranh giới giữa cái sống và cái chết rất mong manh. Đó là áp lực lớn, dễ đẩy mâu thuẫn giữa các bên lên đỉnh điểm. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nếu thầy thuốc có tinh thần trách nhiệm với người bệnh, không lạnh lùng, vô cảm thì có lẽ đã không xảy ra những việc đáng tiếc như vụ bác sỹ bị hành hung tại Bệnh viện Thể thao và Thạch Thất (Hà Nội) cách đây vài tháng.
Ông Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng: “Để đảm bảo an ninh bệnh viện, trước hết phải phục vụ bệnh nhân thật tốt, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh là biện pháp an ninh tốt nhất. Ngoài ra cần có sự trợ giúp của các phương tiện như camera, lực lượng vệ sĩ và sự trợ giúp của lực lượng công an để phòng ngừa cũng như sẵn sàng ứng cứu”.
Theo ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cần xử lý nghiêm những đối tượng gây mất an ninh bệnh viện; pháp luật cần có những tình tiết tăng nặng hình phạt để răn đe. Ngày 24/10, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ; chính quyền các địa phương cần sớm triển khai và tăng cường tại bệnh viện.
“Phải xem nhân viên y tế đang khám, chữa bệnh là đang thi hành một nhiệm vụ đặc biệt. Chính vì vậy, cho dù họ có thể có thiếu sót trong giao tiếp, tổ chức vận hành thì cũng cần được đảm bảo về sức khỏe và tính mạng của họ”, ông Lê Thanh Hải bày tỏ.
Đảm bảo an ninh bệnh viện là góp phần đảm bảo an toàn xã hội. Chỉ khi nào pháp luật được thượng tôn thì bạo lực mới không còn đất sống. “Hàng rào” bảo vệ bệnh viện chính là ý thức sống và làm việc theo pháp luật. Chừng nào máu của thầy thuốc vẫn đổ, sự an toàn trong bệnh viện vẫn bị đe dọa thì đó chính là góc phản chiếu về một đòi hỏi phải lập lại trật tự, kỷ cương trong xã hội hiện nay./.
Theo Văn Hải/VOV.VN