Dự báo, chiều tối 15/9 đến rạng sáng 16/9, bão số 10 sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta ở khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh. Đây là cơn bão nguy hiểm và mạnh nhất từ vài ba năm trở lại đây; khi vào bờ, cấp độ thiên tai là cấp 4 - cấp cao nhất từ trước đến nay.
Sáng nay (13/9), tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 10. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp này.
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 10 (Ảnh: NCHMF).
Tại cuộc họp này, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Hồi 7h ngày 13/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 đến 90 km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và mạnh lên. Đến 7h ngày 14/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115 km/giờ), giật cấp 14.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và giông mạnh; gió bão mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, giật cấp 14; biển động dữ dội. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): trong khoảng từ 13,0 độ Vĩ Bắc đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn tiếp tục mạnh thêm.
Đến 7h ngày 15/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh khoảng 320km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 15.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km.
Theo ông Hoàng Đức Cường nhận định: "Đây là cơn bão nguy hiểm và mạnh nhất từ vài ba năm trở lại đây khi vào bờ, cấp độ thiên tai là cấp 4 - cấp cao nhất từ trước đến nay. Bán kính bão rộng 150-200 km, khi cường độ bão cấp 13 sẽ mở rộng bán kính 200-250km, vùng ảnh hưởng rộng 500km".
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư lệnh Biên phòng báo cáo, ngay từ chiều qua (12/9) đã có công điện gửi tới các đơn vị biên phòng thông báo ngư dân, kiểm đếm tàu thuyền. Công tác tổng hợp tàu thuyền đến đầu giờ chiều nay (13/9) sẽ có kiểm đến cụ thể.
Bộ Tư lệnh Biên phòng có gọi điện cho các tỉnh biên giới phía Bắc chủ động lực lượng sẵn sàng tham gia ứng cứu mưa lũ.
Đại diện Cục Kiểm ngư thông tin, tính đến sáng nay (13/9), vẫn còn nhiều tàu, thuyền hoạt động xa bờ (Thanh Hóa: hơn 1.000 tàu thuyền; Nghệ An: hơn 1.500 tàu, thuyền; Hà Tĩnh: 346 tàu thuyền). Các địa phương cũng đã bằng mọi cách thông báo cho các tàu thuyền này biết vị trí, hướng đi, vùng nguy hiểm của bão số 10 để khẩn trương vào nơi tránh, trú an toàn.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý: Bão số 10 được dự báo là cơn bão rất mạnh, dự kiến sẽ đổ bộ vào các tỉnh thuộc khu vực Bắc Miền Trung, phạm vi ảnh hưởng lên tới 500km2.
Bão số 10 là cơn bão mạnh nhất trong năm 2017. Từ đầu năm đến nay Biển Đông xuất hiện 10 cơn bão, trong đó chỉ có 2 cơn (số 2, số 4) đổ bộ vào nước ta, nhưng cũng không mạnh, chủ yếu ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão gây mưa lớn. Chính vì vậy, tâm lý người dân đối phó với cơn bão số 10 rất dễ chủ quan, coi thường.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý: "Bão số 10 là cơn bão mạnh nhất từ đầu năm đến nay, do vậy các địa phương không được chủ quan khi ứng phó".
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị: Trung tâm dự báo tiếp tục bám sát diễn biến bão số 10 và thường xuyên thông tin về cơn bão này; các đơn vị liên quan, các địa phương được dự báo bão sẽ đổ bộ phải chỉ đạo ứng phó khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ; Tại các địa phương có tàu thuyền còn hoạt động ở ngoài khơi cần được thông tin ngay để tìm nơi tránh trú an toàn, khu vực gần bờ từ ngày mai (14/9) các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa cần cấm biển để đảm bảo an toàn.
Công tác sắp xếp các tàu thuyền neo đậu khi tránh trú bão cũng phải đặc biệt chú ý, không để người dân lo mất tài sản mà ở lại trên tàu thuyền hoặc có tâm lý chủ quan; khu vực từ Huế trở ra có hơn 1 triệu héc-ta lúa đang trong thời kỳ chuẩn bị thu hoạch, các địa phương cần chủ động bơm nước tiêu úng và nếu thu hoạch được cần khẩn trương tiến hành với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
Ngoài ra, tại các địa phương ven biển nói trên cần có phương án chủ động giảm thiểu thiệt hại khi bão vào bờ đối với các hoạt động nuôi trồng thủy sản như lồng, bè nuôi.
Đối với các hồ thủy điện, đề nghị Tập đoàn điện lực Việt Nam thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, thực hiện xả lũ khi có yêu cầu.
Thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT thường xuyên theo dõi diễn biến bão, đôn đốc các địa phương thực hiện tốt các biện pháp ứng phó khi bão đổ bộ.
Cơ quan thông tấn báo chí cần thông tin liên tục về diễn biến bão số 10, công tác ứng phó của các địa phương để nhân dân nắm được...
Theo Nguyễn Dương/Dân trí