Tại nơi điều trị các F0 có triệu chứng nặng nhất ở Hà Nội, chuông cảnh báo tình trạng sức khỏe xấu của bệnh nhân vang liên tục suốt ca trực kéo dài 12 tiếng không ngơi nghỉ của các y bác sĩ.
"Bệnh nhân N.T.T. SpO2 giảm xuống còn 88%, đề nghị kiểm tra ngay", cán bộ y tế trực trung tâm điều hành, khu R14, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Đại học Y Hà Nội, gọi điện đàm vào khu phòng bệnh, nơi chỉ ngăn cách một vách kính trong suốt với trung tâm điều hành.
Ngay lập tức, 2 nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ bên trong di chuyển nhanh đến vị trí giường số 9, kiểm tra các chỉ số sinh tồn và đường thở của bệnh nhân. Vừa xử lý xong tình trạng tụt SpO2 của bệnh nhân T., lại tiếp tục có một F0 khác cần cấp cứu.
Ca trực 12 tiếng hối hả bởi tiếng bước chân người di chuyển liên tục, tiếng kêu từ các loại máy máy thở, máy đo sinh tồn... và đặc biệt là tiếng chuông vang liên hồi cảnh báo đỏ về tình trạng sức khỏe xấu từ các ca bệnh nặng.
Thành lập vào ngày 31/8/2021, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (Đại học Y Hà Nội) trở thành nơi thu dung điều trị của các bệnh nhân Covid-19 tầng 2, tầng 3 lớn nhất Hà Nội với quy mô 500 giường. Hiện bệnh viện có gần 100 y, bác sĩ tham gia chăm sóc và điều trị bệnh nhân.
Theo điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Phương, lượng bệnh nhân được điều trị thời gian gần đây dao động trong khoảng 160 - 200 bệnh nhân. Đáng chú ý, càng ngày số lượng các ca nặng càng nhiều. Hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 20 - 30 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân tầng 3 có thời điểm cao hơn con số 10.
"Khu R13, R14 là khu vực điều trị các bệnh nhân nặng nhất của chúng tôi. Hiện nay, mỗi khu đang điều trị cho 20 bệnh nhân. Tất cả các trường hợp đều thở máy, đòi hỏi nỗ lực rất lớn trong công tác chăm sóc và điều trị", điều dưỡng Phương nói.
Mỗi ca trực tại khu R14 có 4 bác sĩ và 9 điều dưỡng cùng "trực chiến" xuyên suốt 12 giờ đồng hồ. Lực lượng này cũng sẽ được chia đôi thành vòng trong trực tiếp tiếp xúc, điều trị bệnh nhân tại giường bệnh và vòng ngoài điều phối, xử lý thông tin qua vách chắn an toàn phòng dịch.
Bộ đàm trở thành kênh liên lạc của lực lượng vòng trong và vòng ngoài qua vách chắn trong suốt.
Khu phòng bệnh điều trị F0 nặng, nguy kịch được lắp hệ thống camera giám sát dày đặc, để đảm bảo từ trung tâm điều hành có thể quan sát toàn bộ bệnh nhân, kịp thời phản ứng nhanh với tình huống khẩn cấp.
Là người đã 3 tháng tham gia điều trị các bệnh nhân tầng 3 tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, BS Nguyễn Minh Nguyên chia sẻ: "Các bệnh nhân phải hồi sức tích cực là một thách thức rất lớn cho lực lượng điều trị. Chúng tôi phải theo dõi bệnh nhân liên tục 24/24h vì họ có rất nhiều vấn đề và có thể xảy ra liên tục. Mỗi ngày đều có 2 - 4 ca có nguy cơ diễn biến tử vong".
Theo BS Nguyên, ngoài việc thực hiện các thủ thuật cấp cứu khi xảy ra tình huống, các y bác sĩ vòng trong cũng sẽ thực hiện nhiệm vụ thăm khám, cho thuốc và các thủ thuật thăm dò như siêu âm, đánh giá về cơ học phổi, đánh giá về dịch và nhiều yếu tố khác liên quan bệnh nhân.
Việc phát thuốc cho các F0 thường được bắt đầu thực hiện vào mỗi buổi sáng. Tùy theo tình trạng bệnh, mỗi F0 sẽ được dùng một gói thuốc riêng, được đánh số giường trên mỗi gói thuốc.
Áp lực giành giật sự sống cho bệnh nhân có thể được cảm nhận rõ rệt từ vòng ngoài. Trong phòng điều khiển trung tâm, xen lẫn giữa tiếng điện đàm liên tục của nhân viên y tế là chuông vang liên hồi cảnh báo chỉ số SpO2 của bệnh nhân tụt xuống mức nguy hiểm (dưới 90%) từ máy tính trung tâm.
Màn hình trung tâm hiển thị các chỉ số sinh tồn: Nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim, SpO2 của tất cả các bệnh nhân đang điều trị. Lực lượng vòng ngoài sẽ là lớp giám sát thứ hai trực liên tục, kịp thời phát hiện chuyển biến bất thường của bệnh nhân để báo vào bên trong.
"Tại giường của mỗi bệnh nhân sẽ đều có máy đo chỉ số sinh tồn. Tuy nhiên, một số trường hợp lực lượng vòng trong bận tập trung xử lý một bệnh nhân nào đó, không thể bao quát hết thì lực lượng vòng ngoài sẽ hỗ trợ giám sát. Bên cạnh đó, khi trong phòng bệnh, F0 có chuyển biến cấp cứu cần hỗ trợ, các y bác sĩ vòng ngoài cũng ngay lập tức vào bên trong", điều dưỡng Phương chia sẻ.
Bác sĩ vòng trong thông báo kết quả âm tính SARS-CoV-2 của 2 bệnh nhân nặng đã trải qua một thời gian dài điều trị. Qua lớp cửa kính, niềm vui từ nhân viên y tế bên trong được lan tỏa ra lực lượng vòng ngoài.
Hầu hết các bệnh nhân nguy kịch tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 trong giai đoạn này là những người cao tuổi, có nhiều bệnh nền và chưa được tiêm vaccine Covid-19.
Khi có bệnh nhân tử vong, các nhân viên y tế sẽ thông báo cho người nhà. Đồng thời, thi thể người bệnh sẽ được xử lý, khử khuẩn theo một quy trình nghiêm ngặt trước khi bệnh nhân được chuyển đến nhà xác của bệnh viện và bàn giao cho đơn vị hỏa táng.
Các bác sĩ tại đây cho biết, bệnh nhân phải hồi sức tích cực có khả năng hồi phục kém hơn so với các bệnh nhân tầng thấp, đặc biệt là người cao tuổi. Nhóm bệnh nhân này khi điều trị không chỉ vài ba ngày mà phải mất hàng tuần, thậm chí là vài tháng mới có thể ra viện.
Nhiều tuần trở lại đây, tình hình dịch tại Hà Nội liên tục leo thang, kéo theo đó là số lượng bệnh nhân nặng cần phải hồi sức cấp cứu gia tăng nhanh. "Với số lượng bệnh nhân đông như hiện nay, trong khi dịch vẫn phức tạp, chúng tôi xác định năm nay không có Tết", một bác sĩ trong ca trực chia sẻ.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/chuong-canh-bao-do-vang-lien-hoi-trong-khu-dieu-tri-f0-nguy-kich-o-ha-noi-20220111225522727.htm