Bảo vệ bệnh viện trước Covid-19 là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong cuộc chiến chống dịch.
"Bệnh viện an toàn" là mục tiêu xuyên suốt từ khi dịch bùng phát, cho đến giai đoạn "thích ứng Covid-19" để hướng đến trạng thái "bình thường mới" hiện nay.
Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" được Chính phủ ban hành cũng đã nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành y tế trong giai đoạn mới là: vừa thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh vừa đảm bảo an toàn về dịch Covid-19.
Chặn đứng mầm bệnh từ cổng viện
Covid-19 trên cả nước đặc biệt là tại Hà Nội đã diễn biến phức tạp trở lại trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, Bệnh viện Bạch Mai vẫn đảm bảo công tác khám chữa bệnh được diễn ra xuyên suốt, không bùng phát ổ dịch, trong khi hàng ngày vẫn tiếp nhận hàng ngàn lượt bệnh nhân.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, các quy trình kiểm soát được xây dựng chặt chẽ, đồng bộ, khoa học và sự nỗ lực, phối hợp ở mức cao nhất của tất cả các khoa phòng chính là mấu chốt giúp cơ sở y tế lớn hàng đầu cả nước có thể đạt được "mục tiêu kép".
"Để đảm bảo bệnh viện an toàn khi dịch vẫn diễn biến hết sức phức tạp, có 2 đối tượng chúng tôi tập trung nỗ lực rất cao để bảo vệ đó là nhân viên y tế và bệnh nhân", PGS Chi chia sẻ, "Đương nhiên, ngoài 2 trọng điểm vừa nêu, thì tất cả những lực lượng khác, từ nhân viên vệ sinh, bảo vệ cho đến sinh viên, học viên học tập tại Bệnh viện Bạch Mai cũng được đưa vào kiểm soát theo quy trình đã được xây dựng rất chặt chẽ".
Bệnh nhân khai báo y tế tại Bệnh viện Bạch Mai.
Tất cả bệnh nhân khi đến Bệnh viện Bạch Mai sẽ phải được sàng lọc. Sau khi khai báo y tế, những trường hợp được đánh giá có nguy cơ sẽ được test nhanh sàng lọc ngay. Ở thời điểm hiện tại, PGS Chi đánh giá rằng, giá trị và hiệu quả của test nhanh là rất cao và độ chính xác lớn.
Đối với cán bộ nhân viên cũng sẽ đều được tiêm vaccine Covid-19 và thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát dịch, đảm bảo quy trình chung về chuyên môn.
Bệnh nhân khai báo chi tiết thông tin cá nhân và các yếu tố dịch tễ.
Bên cạnh việc kiểm soát đầu vào, Bệnh viện Bạch Mai cũng định kì thực hiện xét nghiệm sàng lọc, để có thể kịp thời phát hiện F0 đang lẩn khuất, qua đó có thể chặn đứng chuỗi lây (nếu có) khi nó chưa lan rộng.
Theo đó, hàng tuần, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho nhân viên và tất cả các đối tượng tham gia khám và điều trị cho bệnh nhân.
Đối với các bệnh nhân khi đã vào nhập viện sẽ được xét nghiệm PCR. Trong quá trình nằm điều trị nội trú cũng được định lượng thời gian để có phương án xét nghiệm sàng lọc định kì phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh và rộng ra là cả bệnh viện.
Luôn có phương án đáp ứng trong mọi diễn biến dịch
Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng nhiều phương án đáp ứng khi bệnh viện trở thành mục tiêu tấn công của Covid-19.
Theo PGS Chi, không chỉ các kịch bản phát hiện hàng chục, hàng trăm ca mắc Covid-19, mà ngay cả với trường hợp phát hiện chỉ một F0, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã xây dựng quy trình xử lý chi tiết từng bước một. Quy trình được xây dựng sao cho khoa học nhất, đảm bảo độ an toàn cao nhất và ít ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh thường quy nhất.
Theo PGS Chi, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng nhiều phương án đáp ứng khi bệnh viện trở thành mục tiêu tấn công của Covid-19.
Khi sàng lọc phát hiện bệnh nhân đến khám có test nhanh dương tính, người đó sẽ được xếp vào nhóm nghi ngờ cao. Bệnh viện Bạch Mai có một khu vực riêng để cách ly những trường hợp thuộc nhóm này.
Khu vực này cách ly hoàn toàn với các bệnh nhân khác và môi trường. Đáng chú ý, tại khu vực cách ly được trang bị đầy đủ các điều kiện chăm sóc sức khỏe. Thậm chí, các nhân viên y tế có thể triển khai cấp cứu cho người bệnh ngay tại khu vực này.
Khi được chuyển ra khu cách ly, người bệnh cũng sẽ được làm ngay xét nghiệm RT-PCR. Bệnh viện Bạch Mai hiện có phòng xét nghiệm vi sinh chuẩn hóa ở cấp độ cao nhất về xét nghiệm SARS-CoV-2. Do đó, có thể cho ra kết quả xét nghiệm rất nhanh với độ chính xác cao.
Các bệnh nhân được khám sàng lọc trước khi nhập viện (Ảnh minh họa).
Nếu người bệnh có kết quả xét nghiệm RT-PCR khẳng định dương tính SARS-CoV-2, bệnh viện sẽ ngay lập tức kết nối với các cơ sở thu dung và điều trị Covid-19 trên địa bàn; sau đó, dùng xe và nhân viên của Bạch Mai chuyển bệnh nhân tới các bệnh viện phù hợp với tình trạng bệnh của F0 đó.
"Trên thực tế, trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã phát hiện một số bệnh nhân đến khám có yếu tố dịch tễ hoặc dương tính SARS-CoV-2 nhưng đều đã được phát hiện sớm và xử lý gọn theo đúng quy trình. Do đó, dịch không thể xâm nhập vào sâu trong bệnh viện và công tác khám chữa bệnh không bị gián đoạn", PGS Chi nhấn mạnh.
Thực hiện "mục tiêu kép" với nỗ lực cao nhất
Trong cuộc phỏng vấn, PGS Chi nhiều lần nhấn mạnh rằng, tiêu chí quan trọng nhất của Bệnh viện Bạch Mai là đảm bảo chăm sóc chuyên môn tốt nhất cho người bệnh.
Thực hiện "mục tiêu kép" vừa đảm bảo an toàn trước đại dịch, vừa thực hiện tốt công tác chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân là một nhiệm vụ không hề dễ dàng với các bệnh viện. Nhiệm vụ này lại càng khó với một cơ sở y tế tuyến cuối, thường xuyên trong tình trạng hoạt động "100% công suất" như Bệnh viện Bạch Mai.
PGS Chi nhiều lần nhấn mạnh rằng, tiêu chí quan trọng nhất của Bệnh viện Bạch Mai là đảm bảo chăm sóc chuyên môn tốt nhất cho người bệnh (Ảnh minh họa).
"Với chúng tôi, tiêu chí quan trọng nhất chính là bệnh nhân luôn được chăm sóc chuyên môn ở mức độ cao nhất với sự nỗ lực và phối hợp cao nhất của tất cả các chuyên khoa", chuyên gia này cho hay.
Thực tế tại Trung tâm Cấp cứu A9, hàng ngày các bệnh viện tuyến dưới ở Hà Nội và nhiều địa phương khác vẫn liên tục chuyển các bệnh nhân nặng vượt quá khả năng điều trị lên Bạch Mai.
Theo PGS Chi, các bệnh nhân nặng phải nhập viện cấp cứu vẫn phải sàng lọc Covid-19, nhưng sẽ được đảm bảo cấp cứu kịp thời với sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ y tế, qua đó đảm bảo người bệnh được chăm sóc tốt nhất.
Theo PGS Chi, những người có bệnh nền không nên trì hoãn khám và điều trị vì lo sợ dịch.
"Mặc dù trong tình hình hiện nay dịch ngoài cộng đồng tương đối phức tạp nhưng có thể thấy rằng, lượng bệnh nhân đến thăm khám vẫn khá đông, vì người bệnh luôn cảm nhận đến Bạch Mai rất an toàn và được chăm sóc, quan tâm đến bệnh lý của mình chu đáo", PGS Chi chia sẻ.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, bệnh viện đã thực hiện rất nhiều biện pháp chặt chẽ để đảm bảo an toàn trước Covid-19. Do đó, người dân không nên vì e ngại nguy cơ lây nhiễm mà trì hoãn việc thăm khám.
Cảnh báo về tác hại của việc trì hoãn khám và điều trị các vấn đề sức khỏe, PGS Chi dẫn chứng một thống kê rất đáng lưu tâm của WHO: "Mỗi năm trên thế giới có 15 triệu bệnh nhân bị đột quỵ, trong đó có 5 triệu người tử vong, 5 triệu người vĩnh viễn bị di chứng và chỉ có 5 triệu người còn lại có thể phục hồi".
Trong khi đó, yếu tố nguy cơ của đột quỵ lại chính là bệnh huyết áp cao, tiểu đường và nhiều vấn đề khác. Như vậy, nếu người bệnh có các nguy cơ đó mà trì hoãn thăm khám hoặc không kiểm soát bệnh lý của mình đạt yêu cầu thì có thể gặp nguy hiểm, thậm chí là tử vong vì những biến cố của bệnh nền.
Thực tế tại Bệnh viện Bạch Mai cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp do lo ngại dịch đã không đi khám và kiểm tra thường quy và để xảy ra các biến cố đáng tiếc như đau tim, đột quỵ não.
"Nếu chúng ta đã được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ, đảm bảo các nguyên tắc an toàn chung như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay… thì hoàn toàn yên tâm khi đến bệnh viện để thăm khám. Tại Bạch Mai, chúng tôi cũng có những quy trình trợ giúp người bệnh đến khám và điều trị nội trú, để đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh", PGS Chi khuyến cáo.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/bao-ve-thanh-luy-giua-bao-covid19-20220109195603765.htm