Nhờ các biện pháp hạn chế, các nước EU đã giảm được 80% số ca mắc COVID-19 so với thời điểm đỉnh dịch nhưng tỷ lệ mắc COVID-19 ở Ba Lan và Thụy Điển hiện vẫn ở mức cao nhất.
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa Roma Termini ở Rome, Italy. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo báo cáo mới nhất của Liên minh châu Âu (EU), làn sóng nhiễm đại dịch COVID-19 đã vượt qua đỉnh điểm ở tất cả các nước trong khối, trừ Ba Lan và Thụy Điển.
Báo cáo của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết, nhờ các biện pháp hạn chế, các nước EU đã giảm được 80% số ca mắc COVID-19 so với thời điểm đỉnh dịch. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết tỷ lệ mắc COVID-19 ở Ba Lan và Thụy Điển hiện vẫn ở mức cao nhất.
Tại các nước EU, tỷ lệ lây nhiễm mới trong thời gian 14 ngày hiện dưới 20 trường hợp trên 100.000 dân, trong khi Thụy Điển là quốc gia duy nhất có tỷ lệ lên tới trên 100 trường hợp trên 100.000 dân.
Italy ghi nhận thêm gần 400 ca nhiễm SARS-CoV-2
Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 12/6, nước này ghi nhận thêm 393 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 236.305 trường hợp.
Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 đã tăng lên 34.223 trường hợp (tăng 56 ca). Có 1.747 ca hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 173.085 ca. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm xuống mức 227 ca (giảm 9 ca). Tổng số ca phải nhập viện tại Italy hiện còn 3.893 ca trong tổng số ca bệnh hiện tại 28.997 người.
Na Uy sẽ mở lại biên giới với hầu hết các nước láng giềng
Chính phủ Na Uy ngày 12/6 thông báo sẽ mở lại biên giới với các nước láng giềng vào ngày 15/6, ngoại trừ Thụy Điển, nơi vẫn đang chống chọi với sự bùng phát của đại dịch COVID-19.
Phát biểu họp báo, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho biết các biện pháp hạn chế sẽ được dỡ bỏ đối với một số khu vực của Thụy Điển có mức độ dịch bệnh chấp nhận được. Điều đó đồng nghĩa chỉ những du khách từ đảo Gotland của Thụy Điển trên biển Baltic mới được phép vào Na Uy mà không bị cách ly.
Thủ tướng Solberg cho biết việc dỡ bỏ hạn chế đi lại sẽ luôn đi kèm với rủi ro, mặc dù nhiều quốc gia láng giềng đã kiểm soát được sự bùng phát của bệnh dịch. Lây nhiễm do các trường hợp đến từ nước ngoài vẫn là một nguy cơ hiện hữu.
Na Uy có kế hoạch đánh giá lại tình hình dịch bệnh trong khu vực theo chu kỳ 14 ngày. Quốc gia Bắc Âu này không phải thành viên EU song tham gia ký Hiệp ước Schengen về tự do đi lại trong 26 nước châu Âu.
Nguy cơ lây nhiễm tại Nga vẫn hiện hữu
Cũng trong ngày 12/6, trưởng chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế Liên bang Nga, bà Elena Malinnikova cho biết nguy cơ lây nhiễm virus SARS-COV-2 và những hậu quả của nó vẫn đang hiện hữu tại Nga, với các ca mắc mới vẫn được ghi nhận dù mức độ nguy hiểm đã giảm. Vì vậy, còn quá sớm để tuyên bố nước Nga đã chiến thắng trước đại dịch COVID-19.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu điện ngầm ở Moskva, Nga. (Ảnh: THX/TTXVN)
Bà Malinnikova kêu gọi người dân Nga cần quan tâm đến sức khỏe cá nhân và tuân thủ các biện pháp vệ sinh phòng dịch như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và sử dụng găng tay ở nơi công cộng, tránh tham gia các hoạt động tập trung đông người cũng như tuân thủ nguyên tắc giãn cách xã hội.
Trước đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã ra thông báo số 19 nhận định tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Liên bang Nga tiếp tục diễn biến phức tạp với số lượng các ca bệnh mới vẫn ở mức cao.
Do đó, Đại sứ quán kêu gọi cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc tại Nga nghiêm túc tuân thủ các hướng dẫn, khuyến cáo của chính quyền sở tại về phòng chống dịch bệnh, tự bảo vệ bản thân và gia đình.
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch Liên bang Nga, đến nay nước này đã ghi nhận hơn 511.000 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 50% đã khỏi bệnh và 6.715 trường hợp tử vong./.
Theo Kim Chung-Hồng Quân/Vietnam+
https://www.vietnamplus.vn/hau-het-cac-nuoc-lien-minh-chau-au-da-qua-dinh-dich-covid19/645408.vnp