Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực cho thấy tốc độ lây lan dịch Covid-19 ở Italia đang chậm lại, song giới chức nước này vẫn quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc.
Ảnh: Reuters
Reuters dẫn số liệu từ Cơ quan phòng vệ dân sự Italia cho biết, trong ngày 1/4, nước này ghi nhận thêm 727 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người chết vì viêm phổi cấp tại quốc gia này lên 13.155. Đây là ngày có số người tử vong vì Covid-19 thấp nhất một tuần qua tại Italia.
Italia tiếp tục là nước có nhiều người chết vì dịch bệnh này nhất, chiếm khoảng 30% số người tử vong toàn cầu. Tuy nhiên hai nghiên cứu mới công bố cho thấy, số người tử vong thực tế cao hơn nhiều so với thống kê.
Tuy nhiên, trong ngày hôm qua, Italia ghi nhận thêm gần 4.800 ca mắc Covid-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên hơn 110.500 ca. Số ca mắc mới tăng mạnh so với 2 ngày trước đó.
Tính đến ngày 1/4, Italia đã điều trị khỏi các triệu chứng cho gần 17.000 bệnh nhân Covid-19, hiện hơn 4.000 người vẫn đang được điều trị tích cực.
Thủ tướng Italia Giuseppe Conte hôm qua thông báo, chính phủ nước này quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến 13/4, sau khi lệnh phong tỏa ban đầu hết hiệu lực vào 3/4. Giới chức Italia cho rằng các biện pháp như phong tỏa đã góp phần đáng kể làm chậm đà lây lan của Covid-19.
"Cộng đồng khoa học đã bắt đầu nhận thấy những kết quả tích cực mà các lệnh hạn chế đem lại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước, do vậy tôi quyết định ký sắc lệnh gia hạn phong tỏa đến ngày 13/4... Chúng ta chưa thể nới lỏng lệnh phong tỏa vào lúc này", ông Conte nói.
Các chuyên gia y tế của Italia trước đó cho rằng, Italia có thể đã đến đỉnh dịch, song nước này vẫn cần tiếp tục các biện pháp phong tỏa. Italia bắt đầu áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 10/3, hạn chế người dân đi lại, ra khỏi nhà, đồng thời cấm tất cả hàng quán, cơ sở kinh doanh, trừ cơ sở kinh doanh hàng thiết yếu, phải đóng cửa.
Theo Minh Phương/Dân trí
Nguồn Reuters
https://dantri.com.vn/the-gioi/so-ca-tu-vong-vi-covid-19-o-italia-xuong-thap-nhat-mot-tuan-20200401224312864.htm