Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố nguyên nhân sâu xa dẫn đến căng thẳng xung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran là do chính sách của Mỹ muốn thay đổi chính quyền tại Iran.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. (Nguồn: TASS/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 11/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova tuyên bố nguyên nhân sâu xa dẫn đến căng thẳng xung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran có tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) là do chính sách của Mỹ muốn thay đổi chính quyền tại Iran.
Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, bà Zakharova nhấn mạnh nguyên nhân của căng thẳng hiện nay là do chính sách của Washington gây áp lực tối đa đối với Iran, kết hợp với tâm lý chống Tehran và ý đồ thay đổi chính quyền tại quốc gia có chủ quyền.
Đề cập phiên họp bất thường của Hội đồng quản trị Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) diễn ra ngày 10/7 vừa qua, trong đó IAEA thông báo rằng Iran đang làm giàu urani tới độ tinh khiết 4,5%, cao hơn giới hạn 3,67% mà Tehran đã nhất trí trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga lưu ý phiên họp được triệu tập theo yêu cầu của Mỹ, nước hồi tháng 5/2018 đã tuyên bố rút khỏi JCPOA, đồng thời đơn phương từ bỏ tất các cam kết.
Theo bà Zakharova, "thật trớ trêu" khi Mỹ tiếp tục yêu cầu Iran tuân thủ nghiêm chỉnh tất cả các điều kiện của thỏa thuận hạt nhân, vốn bị phía Mỹ trong vòng hơn một năm qua phá hoại, cản trở các thành viên còn lại thực hiện thỏa thuận này.
Bà Zakharova cũng cho rằng vẫn có khả năng để tiến hành cuộc đối thoại giữa Iran và Mỹ nếu Washington thay đổi chính sách gây căng thẳng hiện nay.
Tuyên bố trên của bà Zakharova được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Đại diện thường trực Nga tại IAEA Mikhail Ulyanov lên tiếng bảo vệ quyền của Iran được sở hữu urani làm giàu.
Theo ông Ulyanov, mức độ làm giàu urani mới tại Iran theo báo cáo của IAEA ở mức 4,5%, là urani làm giàu ở cấp độ thấp, không liên quan tới vũ khí hạt nhân, và dưới sự kiểm soát của quốc tế, việc sở hữu này không gây rủi ro cho việc phổ biến vũ khí.
JCPOA đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau khi hồi tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran trong lĩnh vực xuất khẩu dầu.
Mỹ cho rằng cần phải đàm phán lại các điều khoản của JCPOA vì thỏa thuận này chưa chặt chẽ do không bao gồm chương trình tên lửa và những ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Tuy nhiên, các cường quốc còn lại ký kết thỏa thuận cho tới nay vẫn bảo lưu quan điểm rằng đây là một thỏa thuận công bằng, hợp lý và chấp nhận được đối với tất cả các bên.
Về phần mình, Iran khẳng định không tái đàm phán JCPOA để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mới theo yêu cầu của Mỹ. Mới đây nhất, Iran đe dọa sẽ tái khởi động các máy ly tâm và tăng cường làm giàu urani ở cấp độ tinh khiết 20% cũng như các bước đi tiếp theo./.
Theo Dương Trí/TTXVN