Iran tuyên bố sẽ không mở rộng thời hạn chót 60 ngày để các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân, có tên gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), có biện pháp đảm bảo các lợi ích của Iran.
Người phát ngôn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử của Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 19/6, Iran tuyên bố sẽ không mở rộng thời hạn chót 60 ngày để các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân, có tên gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), có biện pháp đảm bảo các lợi ích của Iran.
Tổ chức Năng lượng Nguyên tử của Iran (AEOI) đã tuyên bố như trên khi đề cập việc các cường quốc châu Âu không có biện pháp bảo vệ nền kinh tế Tehran khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Truyền hình nhà nước Iran dẫn lời người phát ngôn AEOI, Behrouz Kamalvandi nêu rõ: "Thời hạn 2 tháng của Iran đối với các bên còn lại của JCPOA (sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi) không thể được gia hạn."
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani khẳng định Tehran đang đàm phán với Nga và Trung Quốc về một cơ chế giải quyết tiềm năng trong trường hợp các cuộc thảo luận với Liên minh châu Âu (EU) về một thỏa thuận hạt nhân gặp thất bại.
Hồi tháng Năm, Iran tuyên bố tạm ngừng thực thi một số điều khoản trong thỏa thuận JCPOA, đồng thời thông báo sẽ khởi động quá trình làm giàu urani ở cấp độ cao hơn nếu như trong vòng 60 ngày, tức là đến ngày 8/7 tới, các cường quốc châu Âu không có biện pháp bảo vệ lợi ích của Tehran theo JCPOA trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Theo JCPOA, Iran phải hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể dẫn tới việc chế tạo bom hạt nhân.
Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Tehran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực.
Theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Sau động thái này của Washington, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận.
EU đã thông báo thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt.
Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động và Iran nhiều lần thể hiện sự mất kiên nhẫn đối với EU./.
Theo Phương Hoa/TTXVN