Kiev đang cân nhắc áp đặt thiết quân luật sau một vụ việc gần đây xảy ra trên Biển Đen, và Hội đồng Quốc phòng và An ninh Ukraina (NSDC) đã triệu tập một cuộc họp khẩn để bàn về vấn đề này, Thư ký NSDC Oleksandr Turchynov cho biết hôm 25.11.
Tổng thống Ukraina muốn thiết quân luật ở nước này. Ảnh: Sputnik.
Trong ngày 25.11, Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết, 3 tàu của hải quân Ukraina gồm: Berdyansk, Nikopol và Yany Kapu - đã bị bắt giữ sau khi vi phạm biên giới hàng hải của Nga, theo các điều 19 và 21 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
FSB nhấn mạnh, các tàu hải quân Ukraina không đáp lại các yêu cầu pháp lý từ các tàu giám sát và có các động thái nguy hiểm.
Trong cuộc họp khẩn, Hội đồng Quốc phòng và An ninh Ukraina đã yêu áp đặt thiết quân luật trong nước trong vòng 60 ngày. Quyết định vẫn chưa được Verkhovna Rada - quốc hội Ukraina phê chuẩn.
Trong ngày 26.11, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko cho biết, việc áp đặt thiết quân luật trong nước sẽ không ảnh hưởng đến tình hình ở Donbass cũng như không đồng nghĩa với việc Kiev sẽ tiến hành hoạt động tấn công quân sự.
"Việc ra thiết quân luật không đồng nghĩa với việc Ukraina sẽ tiến hành bất kỳ hoạt động tấn công quân sự. Ukraina sẽ tiến hành các hành động riêng để bảo vệ lãnh thổ của mình, bảo vệ và đảm bảo an toàn cho công dân của mình. Nó có nghĩa là, sự thay đổi lập trạng thái trong hệ thống liên lạc ở một số khu vực nhất định ở Donetsk và Luhansk và các khu vực khác" - Tổng thống Ukraina phát biểu trên kênh truyền hình tiếng Ukraina.
Việc áp đặt thiết quân luật không đồng nghĩa với việc Kiev phản đối các thỏa thuận Minsk, ông nói thêm trong cuộc họp. Tổng thống Poroshenko cũng khẳng định, việc áp đặt thiết quân luật không nhằm hạn chế quyền và tự do của công dân.
Phát ngôn viên chính sách đối ngoại của EU Maja Kocijancic ngày 25.11 cho biết, Brussels kêu gọi Nga và Ukraina kiềm chế tối đa trước tình hình quanh khu vực eo biển Kerch.
"Những căng thẳng ở biển Azov và eo biển Kerch đã gia tăng một cách nguy hiểm trong ngày hôm nay. Chúng tôi hy vọng Nga sẽ khôi phục lại tự do lưu thông qua eo biển Kerch và kêu gọi tất cả các bên ngay lập tức hành động nhằm hạn chế tình hình leo thang" - tuyên bố cho biết.
Trong khi đó, phát ngôn viên NATO Oana Lungescu cho biết, liên minh đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến mới nhất quanh biển Azov và eo biển Kerch. "Chúng tôi kêu gọi kiềm chế và không leo thang" - tuyên bố nhấn mạnh.
Căng thẳng quanh biển Azov nổ ra trong năm nay sau khi Ukraina bắt giữ một tàu Nga, khiến Mátxcơva tăng cường kiểm soát trong khu vực. Căng thẳng tiếp tục leo thang vào tháng 10 khi Quốc hội Ukraina thông qua dự thảo luật cho phép Kiev mở rộng quyền kiểm soát lãnh hải trong phạm vi 12 hải lý từ bờ biển phía nam nước này, nhằm chống buôn lậu ở Biển Đen.
Theo Lao động